Ký thỏa thuận giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Hà Nội.

Với tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước, ngay sau khi Hội nghị hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc kết thúc chiều ngày 26/5, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Hà Nội. Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn Thỏa thuận.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu ĐBSCL tại hội nghị. Ảnh Hoài Nam
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu ĐBSCL tại hội nghị. Ảnh Hoài Nam
Ngày 26/5/2016, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Lãnh đạo Thành phố Hà Nội; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và một số tỉnh phía Bắc.

Hội nghị thống nhất đánh giá hợp tác phát triển giai đoạn 2011 - 2015 giữa vùng ĐBSCL và Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, thống nhất đánh giá việc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Quan hệ hợp tác thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, hỗ trợ nhau cùng phát triển ổn định và bền vững. Các nội dung hợp tác phù hợp nhu cầu, khả năng, điều kiện của mỗi địa phương. Đây là Thỏa thuận khung về chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL) với UBND Thành phố Hà Nội. Căn cứ vào thực tế của địa phương vùng ĐBSCL có chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể với Thành phố Hà Nội theo từng lĩnh vực. 

Thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, được sự thống nhất của lãnh đạo các địa phương) thống nhất nội dung hợp tác như sau:

I. MỤC TIÊU HỢP TÁC:

1. Củng cố và tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội nhằm góp phần phát triển kinh tế giữa các địa phương. Giúp doanh nghiệp của địa phương gia tăng năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, tìm kiếm các lĩnh vực, biện pháp hợp tác mới phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi địa phương.

2. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong và ngoài nước thông qua việc ký kết hợp tác với Thành phố Hà Nội, giúp các địa phương vùng ĐBSCL hội nhập kinh tế hiệu quả hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành trong Vùng.

3. Phối hợp đề xuất các kiến nghị và cơ chế chính sách lên Trung ương về những vấn đề có liên quan đến sự phát triển của vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội.

II. NỘI DUNG HỢP TÁC:

1. Xúc tiến đầu tư:

- Phối hợp, trao đổi, tổng hợp danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực vào vùng ĐBSCL, ban hành các nội dung thu hút đầu tư có tính khuyến khích vào thế mạnh và tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn cho Vùng.

- Phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đầu tư các dự án hạ tầng liên quan.

- Phối hợp tổ chức xúc tiến, vận động các doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội có điều kiện đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng thương mại như: Trung tâm hội nghị triển lãm, Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn, hệ thống phân phối, kho trung chuyển tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

2. Xúc tiến thương mại:

- Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc: cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt, các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của các địa phương.

- Đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa; từ đó khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Vùng tại hệ thống phân phối của Hà Nội, góp phần hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL một cách ổn định, lâu dài.

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội tham gia các Hội chợ triển lãm khu vực ĐBSCL, hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL tham dự các hội chợ triển lãm được tổ chức ở Hà Nội.

- Thúc đẩy liên kết trong hoạt động thương mại gắn với các quy hoạch ngành, đảm bảo công tác quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả.

3. Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản; hợp tác quản lý nông nghiệp:

- Đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phối hợp chuyển giao kỹ thuật trong nông nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá đặc sản vùng miền của hai bên; trao đổi thông tin hai chiều về thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và phân phối nông sản thực phẩm an toàn.

- Tăng cường tổ chức các đoàn cán bộ, doanh nghiệp khảo sát, kết nối xúc tiến nông nghiệp; luân phiên tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ở mỗi địa phương.

- Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cung cấp về Hà Nội ngay từ khâu sản xuất đến khâu thành phẩm. Hà Nội kiểm tra chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường; từ đó, thông tin về những sản phẩm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt và không đạt tiêu chuẩn để có giải pháp trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản.

4. Xúc tiến du lịch:

- Hợp tác xây dựng các chương trình nhằm khai thác các tuyến du lịch quốc gia liên vùng và nội vùng mà hai bên có thế mạnh.

- Các địa phương ĐBSCL tích cực liên kết với Hà Nội trong công tác xây dựng các chương trình du lịch phong phú, đa dạng để giới thiệu cho du khách.

- Liên kết trong hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch giữa hai bên: Liên kết trang web du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; hợp tác sản xuất một số ấn phẩm tuyên truyền chung cho du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; tổ chức các đoàn khảo sát tuyên truyền sản phẩm du lịch Vùng.

- Hà Nội hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL trong việc tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước (tại sự kiện và gian hàng do Hà Nội chủ trì, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phục vụ du lịch).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện các nội dung hợp tác:

- Giao các Sở: Công Thương, KH&ĐT, NN&PTNT,  Du lịch; Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL triển khai các hoạt động cụ thể thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác.

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo tình hình thực hiện nội dung Thỏa thuận định kỳ 6 tháng, hàng năm, gửi về Sở KH&ĐT Hà Nội, Vụ Kinh tế (hoặc Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ để tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND Thành phố Hà Nội.

2. Chế độ thông tin liên lạc:

- Tất cả các thông tin liên lạc và thông báo chính thức giữa hai bên để thực hiện Thỏa thuận này sẽ thông qua Vụ Kinh tế (hoặc Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Sở KH&ĐT Thành phố Hà Nội.

- Trong quá trình triển khai Thỏa thuận, các bên xem xét, trao đổi và tổng hợp, đề xuất những kiến nghị, cơ chế, chính sách cụ thể lên các bộ, ngành Trung ương có liên quan đến xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội.

3. Thỏa thuận này được lập thành 02 (hai) bản. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND Thành phố Hà Nội mỗi bên giữ 01 bản để tổ chức thực hiện.

Thỏa thuận này không ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình hợp tác song phương đã ký kết giữa hai bên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần