Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ tích Điện Biên Phủ được thực hiện trên hơn 3.000m2 tranh tường

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hùng tráng, kỳ vỹ và đầy cảm xúc tự hào, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đứng trước bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được hoàn thiện tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m².

Đây là bức sử thi hội họa lớn, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Bức tranh được hoàn thiện chào mừng dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2021). “Dung nhan” của hơn 4.500 nhân vật trong tranh đều đã được khắc họa hoàn chỉnh, sống động. Điều đặc biệt là dù có nhiều trường đoạn, thể hiện nhiều nhân vật nhưng các thành phần sáng tạo đều thể hiện sự ăn ý để tạo nên một nhịp bút liền mạch. Những gương mặt trong tranh, từ người lính cụ Hồ đến lính viễn chinh Pháp đều được khắc họa rất chân thực và nhân văn.
4.500 nhân vật đã được khắc họa trong bức tranh. 

Với 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng gồm: “Toàn dân ra trận” - là trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Kế tiếp là trường đoạn “Khúc dạo đầu hùng tráng” - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn thứ 3 là “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, giây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa. Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh Pháp và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ với điểm nhấn là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries được thể hiện trong tranh.
Ý tưởng thực hiện bức tranh panorama về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được đề ra từ năm 2012 khi tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Trong thiết kế kiến trúc, Bảo tàng đã dành riêng toàn bộ không gian tầng 2 để thực hiện bức tranh tròn hoành tráng. Đề tài về Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều họa sĩ trong những thập kỷ qua, với không ít tác phẩm hội họa nổi tiếng đã ra đời. Tuy nhiên, những tác phẩm đó mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, do những cá nhân thực hiện. Ý tưởng về một bức tranh quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc của chiến thắng lịch sử bởi vậy vẫn luôn là sự thôi thúc đối với nhiều họa sĩ tâm huyết với đề tài lịch sử này.

Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa (đơn vị thực hiện tác phẩm) Nguyễn Văn Mạc cho biết: Tôi đã tiến hành tuyển chọn, thu thập các cứ liệu để trên cơ sở đó, đề cương nội dung, ý tưởng thể hiện bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ được “lên khuôn”. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đồng hiện, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7/5/1954.

Ở đó, mọi sự kiện, khoảnh khắc cùng những hình ảnh tiêu biểu nhất trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp đều được tái hiện chân thực và sinh động. Cho đến nay, Điện Biên Phủ có thể nói đã dần hiện diện một cách lộng lẫy, sang trọng và đầy sức hút tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một vòng tròn khép kín với bốn trường đoạn liên hoàn sẽ đưa người xem đặt chân vào một không gian đồng hiện chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Với những người thực hiện công trình thì bức tranh tròn panorama này chính là lời tri ân chân thành nhất đối với những người lính, những anh hùng liệt sĩ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm xưa. Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm cũng mong muốn chuyển tải thông điệp về sức mạnh của sự đoàn kết, về khát vọng hòa bình của nhân loại, đồng thời là nguồn tư liệu trực quan quý giá để giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.