Đây là sự kiện mà trước đây ít người dám nghĩ tới. Nhưng với Hoàng Nam, bằng chiến lược tạo nguồn tốn kém và đúng đắn, một chương mới đã được mở ra cho quần vợt Việt Nam.
Tại giải trẻ Wimbledon 2015, cùng với tay vợt đồng đội Sumit Nagal (người Ấn Độ), Hoàng Nam đã đánh bại bộ đôi Reilly Opelka - Akira Santillan ở trận chung kết với các tỷ số 7 - 6, 6 - 4 để giành chức vô địch ở một trong những giải đấu thuộc hệ thống Grand Slam danh giá. Đây là điều mà lâu nay làng quần vợt Việt Nam chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Theo xếp hạng, Hoàng Nam hiện xếp vị trí 1.259 thế giới. Thế nhưng, tại giải đấu này, tay vợt Việt Nam cùng với đối tác của mình đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ đã đánh bại những đối thủ được xếp cao hơn để cuối cùng, đứng lên bục vinh quang, truyền cảm hứng thành công cho làng quần vợt vốn còn ít danh tiếng của Việt Nam.
Với thành tích vang dội này, Hoàng Nam sẽ được đặc cách tham dự giải Wimbledon vào năm 2016. Đây cũng là lần đầu tiên một tay vợt Việt Nam được tham dự một giải đấu chuyên nghiệp danh tiếng. Theo quy định của Liên đoàn quần vợt thế giới, để được chơi chuyên nghiệp phải xếp hạng 150 trở lên. Tuy nhiên, hiện Hoàng Nam mới xếp hạng 1.259 thế giới nên cần một sự đặc cách. Với chức vô địch giải trẻ Wimbledon nội dung đánh đôi, Hoàng Nam sẽ đặt chân vào ngôi nhà danh giá. Anh cũng sẽ có cơ hội tham dự các giải trẻ Australia mở rộng, Roland Garros và Mỹ mở rộng để nâng cao trình độ, cải thiện thứ hạng trên bảng tổng sắp ATP.
Hoàng Nam đã lập được kỳ tích khiến làng thể thao Việt Nam không khỏi tự hào. Thế nhưng, đằng sau sự chói sáng ấy là cả một chiến lược đầu tư vô cùng tốn kém. Tay vợt người Tây Ninh đã may mắn có được một DN lớn và chịu chơi chống lưng nên đã thăng tiến nhanh chóng về chuyên môn. Theo tìm hiểu, mỗi năm, Tập đoàn Becamex - nơi đang quản lý Hoàng Nam bỏ ra không dưới 200.000 USD để chi cho những chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài. Tay vợt này cũng được thuê HLV nước ngoài để nâng cao trình độ với mức lương lên đến 5.000 USD/tháng. Mức lương hàng tháng của Hoàng Nam cũng lên đến 30 triệu đồng nhằm giúp VĐV này an tâm tập luyện thi đấu. Chế độ dinh dưỡng và tài chính khi Hoàng Nam đi thi đấu nước ngoài cũng được cấp theo nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tay vợt này còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ Liên đoàn quần vợt Việt Nam.
Sau Ánh Viên, một lần nữa người ta lại thấy sự đúng đắn của chiến lược đầu tư trọng điểm cho những tài năng đặc biệt. Họ được đầu tư tiền tỷ ra nước ngoài huấn luyện và nhanh chóng cải thiện được thành tích, đủ sức hội nhập với những đấu trường đỉnh cao. Tất nhiên, phải nhấn mạnh rằng không phải VĐV nào cũng may mắn như Ánh Viên và Hoàng Nam. Bởi lẽ, trước đây, làng VĐV Việt Nam cũng có nhiều tài năng trẻ nhưng họ không được định hướng đúng đắn và đầu tư xứng tầm nên mau chóng rơi vào lãng quên.
Lúc này, có lẽ làng thể thao không chỉ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho những tài năng trẻ mà nên hệ thống lại chiến lược đầu tư. Chỉ có một chiến lược đúng đắn với những đối tượng rõ ràng thì thể thao Việt Nam mới mau chóng có được thành công.
Lý Hoàng Nam (trái) và Sumit Nagal nhận cúp vô địch.
|