Ký ức 12 ngày chiến thắng B52 từ mặt đất đến bầu trời

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”(12/1972 - 12/2022), ngày 14/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”.

Không bị động trước pháo đài bay

Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, gồm 2 chủ đề: “B52: Hà Nội không bất ngờ!” và “Từ mặt đất đến bầu trời” lần đầu tiên giới thiệu hình ảnh của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu năm 1972.

Hình ảnh của 108 phi công Việt Nam tại triển lãm.
Hình ảnh của 108 phi công Việt Nam tại triển lãm.

Trong khuôn khổ của triển lãm, một cuộc tọa đàm với sự tham dự của những phi công của Phi đội bay đêm đánh B52 như: Thượng tá phi công MiG 21 Vũ Đình Rạng, Đại tá phi công MiG 21 Bùi Doãn Độ - phi công bắn rơi máy bay Mỹ cuối cùng trên bầu trời Hà Nội, Đại tá phi công MiG 21 Nguyễn Công Huy, Đại tá phi công MiG 21 Hoàng Biểu.

Với Thượng tá Nguyễn Đình Rạng - phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52 kể lại: 20 giờ 40 phút ngày 20/11/1971, từ sân bay Anh Sơn, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh theo đúng như phương án đã chuẩn bị kỹ: :Bay thấp để bảo đảm bí mật, hạn chế liên lạc qua máy đối không”.

Được dẫn từ các Sở chỉ huy dưới đất, Vũ Đình Rạng đã tiếp cận và phóng tên lửa vào máy bay B52. Sau này từ nhiều nguồn thông tin và chính Không quân Mỹ đã thừa nhận, người ta mới biết chiếc B52 do phi công Vũ Đình Rạng bắn đêm 20/11/1971 đã bị thương rất nặng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom – Phanom. Theo tài liệu của Không quân Mỹ, chiếc B52 trúng tên lửa từ MiG-21 của Vũ Đình Rạng bị hỏng 1 động cơ vẫn cố về được Thái Lan nhưng không thể sửa chữa và bị bỏ khỏi biên chế. Vì thế, Không quân Mỹ vẫn xem ông là người đầu tiên trên thế giới bắn hạ B52.

Thượng tá Nguyễn Đình Rạng - phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52.
Thượng tá Nguyễn Đình Rạng - phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52.

Là người trẻ nhất trong phi đội máy bay đêm, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trên bầu trời Hà Nội, Đại tá Bùi Doãn độ kể: Ngày 29/12/1972, máy bay địch đánh phá một loạt sân bay Thọ Xuân, Yên Bái, Hoà Lạc, Kép… Đêm hôm đó, khi cùng đồng đội trực chiến ở sân bay Miếu Môn, địch đánh phá dữ dội buộc phi đội của ông phải di chuyển về sân bay Hòa Lạc rồi sau đó lại đi sân bay Kép (Bắc Giang) để trực chiến. 23 giờ đêm, Đại tá Bùi Doãn Độ được lệnh xuất phát trên chiếc MiG-21. Không dẫn được mục tiêu chính B52, trên đường về, bất ngờ Sở chỉ huy Quân chủng thông báo phát hiện một chiếc máy bay bay từ phải sang trái, cự li cách ông 7 - 8 km. Khi ấy, người phi công trẻ phát hiện thấy ánh đèn nhấp nháy ở cùng độ cao với chiếc MIG-21 đang di chuyển theo đúng hướng nhận định. Ông lập tức tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa trúng đích. Chiếc F-4 bùng cháy sáng rực đến nỗi ông có thể trông thấy từng con ốc bắt trên thân máy bay. Viên phi công Mỹ không kịp nhảy dù ra khỏi máy bay và sau đó cả người và xác phi cơ rơi xuống vùng Tam Nông, Phú Thọ. Chiếc F-4 này là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, cũng là chiếc cuối cùng của quân đội Mỹ bị phi công ta bắn hạ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Người phi công mới 22 tuổi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, khép lại thắng lợi lịch sử của chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Làm rõ hơn thế trận phòng không B52

“Chưa bao giờ lực lượng B52 của Mỹ vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”. Đó là lời thuật lại của một phi công Mỹ tham gia trong cuộc tập kích đường không chiến lược với “siêu pháo đài bay” B52 đánh vào Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam cuối tháng 12 năm 1972, được hãng Thông tấn AFP ghi lại, sau khi chiến dịch kết thúc 2 ngày.

Cùng với không gian triển lãm được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, triển lãm có tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng được diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng B52. Đây là sự nối tiếp của 2 phần nội dung trong chương trình hợp tác, và làm rõ hơn về một trong những chiến thắng quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Chủ đề 1 “Hà Nội không bất ngờ!” gồm 2 phần gồm: Nhận định của Bác "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội; Trưng bày các hình ảnh về Lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam tham gia chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972 và Lực lượng của Mỹ huy động tham gia Chiến dịch Linerbaker II. Chủ đề 2 “Từ mặt đất đến bầu trời” gồm 4 phần: "Từ Tổng Hành dinh đến các trận địa"; “Mặt đất lập công”; “Trên không chiến thắng”; “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Ngoài ra tại triển lãm còn có hệ thống các poster và không gian trải nghiệm phố phường Hà Nội vào thời điểm năm 1972 phần nào giúp công chúng hình dung rõ nét hơn về cuộc chiến đấu, cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức ngoan cường, bền bỉ và anh dũng của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước trong đó nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, nổi bật là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân Thủ đô. Từ đó mong muốn tái hiện và dẫn dắt du khách hòa vào trong bầu không khí khẩn trương, hồi hộp, gấp gáp, căng thẳng, lo âu khi chuẩn bị đón máy bay, xuống hầm trú ẩn và những đau thương, mất mát, đổ nát của Thủ đô trong 12 ngày đêm gian khổ đó qua những bức ảnh tư liệu.