70 năm giải phóng Thủ đô

Ký ức 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 70 năm đã trôi qua, những kỷ niệm của ngày tiếp quản Thủ đô vẫn in đậm trong ký ức của những người đã đi qua cuộc chiến. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy, giờ như những nhân chứng lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên của Thủ đô Hà Nội.

Tái hiện không khí 68 năm trước

Trong nền nhạc hào hùng của bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, các bà, các mẹ, cô gái trong trang phục áo dài thướt tha đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Khoảng khắc tái hiện ngày giải phóng Thủ đô 68 năm trước, khiến nhiều người không dấu được sự xúc động, tự hào khi tham dự trưng bày “Khúc ca khải hoàn” do BQL Di tích Nhà tù Hoả Lò tổ chức.

Hình ảnh tái hiện đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh: Lại Tấn.
Hình ảnh tái hiện đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh: Lại Tấn.

Tham dự triển lãm, bồi hồi nhớ lại cảm xúc của thời khắc lịch sử, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (103 tuổi) cho biết ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, thời đó, ai cũng mong mỏi ngày đất nước giành được độc lập, ngày dân tộc được giải phóng, đoàn tụ. “Tất cả mọi người đều hướng về Hà Nội và chúng cũng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả cũng vì Thủ đô. Ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng là minh chứng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Mặc dù không được trực tiếp chứng kiến không khí hào hùng ngày giải phóng tại Thủ đô nhưng nhờ có Trưng bày này, tôi đã được sống lại những giây phút đầy tự hào ấy” - Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chia sẻ.

Nhân chứng lịch sử tham dự trưng bày. Ảnh: Lại Tấn.
Nhân chứng lịch sử tham dự trưng bày. Ảnh: Lại Tấn.

Với bao ký ức ùa về khi ngắm nhìn những tư liệu, hiện vật, Cựu tù chính trị Dương Tự Minh kể: “Chúng tôi làm nhiệm vụ huy động thanh niên, học sinh, đồng bào để làm cờ, hoa. Chúng tôi làm liên tục mấy ngày để phát cho mọi người. Ngày đó, chúng tôi tập hợp học sinh, sinh viên đứng từ bờ hồ qua Hàng Đào, Hàng Ngang. Mọi người đều ùa ra khi có bộ đội về, ai tay cũng cùng cờ cầm hoa cười rạng rỡ. Chúng tôi lúc đó đúng là vui như điên”.

Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta. 

Lưu giữ những kỷ niệm hào hùng

“Khúc ca khải hoàn” đã tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những ngày tháng bền bỉ kháng chiến đầy gian khổ và những thời khắc lịch sử trọng đại, Thủ đô được giải phóng. Những câu chuyện, hình ảnh lịch sử không chỉ giúp người xem như được sống lại những ngày tháng hào hùng, mà con cảm nhận rõ hơn sự hy sinh, cống hiến và mất mát của các thế hệ đi trước.

Bà Đỗ Thị Hải, vợ của ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cẩn, học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1952-1953) xúc động ngắm nhìn những hiện vật. Ảnh: Lại Tấn.
Bà Đỗ Thị Hải, vợ của ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cẩn, học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1952-1953) xúc động ngắm nhìn những hiện vật. Ảnh: Lại Tấn.

Tại buổi trưng bày, bà Đỗ Thị Hải, vợ của ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cẩn, học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1952-1953) lặng lẽ cùng con cháu đi ngắm nhìn từng hiện vật của người chồng, người cha, người chiến sỹ cách mạng kiên cường. Đó là: “Chứng minh thư do Uỷ ban Quân chính TP Hà Nội cấp cho ông Lê Văn Ba sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 – 31/12/1954” hay giấy được ra tù do chính quyền thời xưa cấp.

 

Từ ngày Giải phóng Thủ đô đến nay, TP phát triển hơn nhiều. Ngày nay, Hà Nội rộng lớn hơn, nhiều quận huyện; kinh tế, đời sống phát triển. Tôi tin tưởng rất nhiều ở Đảng, Chính Phủ, nhất là Thành uỷ, UBND TP Hà Nội.  Tôi tự hào vì góp phần nhỏ bé của mình vào việc giải phóng Thủ đô và sau này là phát huy trí tuệ, năng lực của mình, tham gia vào xây dựng, phát triển TP ngày càng vững mạnh.

Ông Đỗ Đăng Long - Tù chính trị Nhà tù Hoả Lò tháng 11/1951 – 3/1952

Nhìn thấy ảnh của chồng và những hiện vật đã gắn bó với ông được trưng bày, bà Đỗ Thị Hải xúc động chia sẻ: “Ngày mùng 10/10/1954, tôi cũng còn ít tuổi, hòa chung vào niềm vui của thời khắc ấy, tôi đã chạy quanh bờ hồ cùng với các đoàn thể, Nhân dân. Chúng tôi vừa chạy, vừa hát mừng ngày vui của đất nước. Khi vào đến triển lãm, thấy có sự đóng góp của chồng mình trong cuộc kháng chiến, tôi rất vui mừng và cũng thương nhớ. Dịp này, tôi đã đưa cháu nội đến để cho cháu hiểu thêm về công việc của ông đã làm thời kỳ kháng chiến và hy sinh anh dũng. Từ đó, để cho cháu có trách nhiệm hơn đối với gia đình và xã hội".

Thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, biết ơn thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Lại Tấn.
Thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, biết ơn thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Lại Tấn.

Anh Trần Đức Toàn, cháu ruột của bà Đỗ Thị Hải, bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi được nhìn lại hình ảnh của ông mình tại Triển lãm. Tuy rất xúc động nhưng cũng có một chút ngậm ngùi và chạnh lòng, để rồi cảm thấy biết ơn những gì ông cha đã gây dựng”.

“Khúc ca khải hoàn” của quân và dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung sẽ còn vang vọng mãi đến muôn đời sau. Đó là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.