Ký ức bình dân học vụ của ông giáo già dạy trẻ nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 23 năm qua, nhiều người dân phường Phương Liên (Đống Đa) đã quá quen với hình ảnh ông giáo già Nguyễn Trà cặm cụi dạy dỗ lớp lớp những đứa trẻ nghèo, những người thích học.

Người dân Phương Liên cũng là những người vui mừng khôn xiết khi hay tin ông giáo già ấy được Chủ tịch nước gửi thư khen. 70 năm đứng lớp, thầy giáo già bồi hồi nhớ lại những năm tháng dạy lớp bình dân học vụ, để thẳng thắn nhìn về thực trạng giáo dục hiện nay.
Ông giáo Trà đang uốn nắn, dạy học sinh ngay tại nhà. 	 Ảnh:  Trung Đức
Ông giáo Trà uốn nắn, dạy học sinh ngay tại nhà. Ảnh: Trung Đức
Ông Nguyễn Trà sinh ra và lớn lên trong một dòng họ mười mấy đời đều công tác trong ngành giáo dục. Trong gia phả dòng họ Nguyễn, có cụ tổ còn từng là Tế tửu ở Quốc Tử Giám thời vua Lê, chúa Trịnh… Vốn thông minh, ông Trà nhanh chóng lĩnh hội được những tinh hoa của giáo dục thời đó. Sau khi đỗ Tú tài phần II, ông là một trong số ít học sinh được tuyển vào trường Đại học Sư phạm I Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp, ông công tác ở một số bộ, ngành, rồi làm chuyên viên đi dạy tiếng Pháp trong một dự án của Cộng đồng Pháp ngữ. Ông bảo: “Sống ở trên đời mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm. Nhà bọn trẻ nghèo, phải theo cha mẹ làm phụ hồ, nhặt rác, rồi đây cuộc đời chúng sẽ ra sao? Tiền thì chẳng có, chỉ có chút vốn liếng ở trong đầu. Lúc ấy chỉ nghĩ phải làm sao để giúp các cháu ít nhất là thoát khỏi cảnh mù chữ, để hy vọng một ngày nào đó chúng có thể tự làm thay đổi cuộc đời mình”.

Khai mở ánh sáng cuộc đời

 Quá khứ ùa về, từng ký ức khiến ông giáo già thêm trầm tư. Giọng nhỏ dần, thầy bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời chưa xa: Trong những năm tản cư thời chống Pháp, ông đều tích cực đi dạy lớp học bình dân vào những buổi tối (dạy 3 - 4 năm). Ông chọn những gia đình nào rộng rãi, mở lớp, người học đủ các thành phần già, trẻ, trai, gái. Xâm xẩm tối, bà con mang sách vở, bút, xách theo chiếc đèn dầu lập lòe, băng đêm tối đến lớp học. Do đều là những đối tượng xóa mù chữ nên thầy chỉ dạy hai môn: Toán và Học vần. Mục đích nhằm giúp người dân biết đánh vần, từ đó biết đọc, biết viết, biết tính toán cộng, trừ, nhân chia.

 Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là khi ông và gia đình đi tản cư về làng Quán Sái (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ròng rã dạy trong nhiều năm liền, niềm vui lớn nhất đối với thầy là khi chứng kiến những người chưa từng biết mặt chữ đọc vanh vách, tính toán chuẩn xác. Chứng kiến những hình ảnh ấy, hai khóe mắt ông ướt nhòe, hai gò má giãn căng, reo vui cùng họ và gia đình.

Từ người già đến trẻ nhỏ chưa từng được đi học, nay hồ hởi đọc cho nhau tất cả những tin tức thời sự của chiến tranh trên mặt báo Cứu quốc. “Tôi thấy rất thú vị. Họ tri ân bằng cách mời tôi đến dự lễ báo công, sau quá trình, công sức kiên trì, bền bỉ dạy người dân biết đọc, biết viết. Rồi họ đọc báo, tính toán: cộng trừ, nhân chia cho thầy xem” – ông chia sẻ.

 Ông Trà thừa nhận những năm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mô hình những lớp học bình dân phát triển rộng rãi, trải dài trên nhiều địa phương, đã thu hút nhiều độ tuổi đến lớp, xuất hiện rộng khắp hang cùng, ngõ hẻm. Từ những mô hình bình dân học vụ đó, đời sống người dân dần được cải thiện. Họ đã biết mặt chữ, để thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động.

Từ một dân tộc hơn 90% mù chữ, nhiều người đã thoát nạn mù chữ. Để tạo được tính hiệu quả đó, đầu tiên phải kể đến tính hiếu học của người Việt. Họ khao khát học.

Bên cạnh đó, là tâm huyết của những người “chở đò”. Giữa thầy và trò có sự cộng hưởng. Đó là một thành công lớn của chế độ này. Tính nhân văn thể hiện ở chỗ, người đi học không mất tiền, mà người dạy - truyền thụ kiến thức thì dốc lòng, dốc sức, bền bỉ dạy người từ không biết chữ, đã đọc thông viết thạo. Tuyệt đại đa số dân chúng từ không biết chữ đã biết chữ. Đấy là một thành công lớn của cách mạng.

 Tính nhân văn trong những năm mô hình tồn tại lớp bình dân học vụ là những người biết chữ dạy người chưa biết, khiến họ sống chân tình với nhau hơn, thanh cao. Những người mù chữ, từ lớp học ấy đã tìm ra ánh sáng của đời mình. Tầm nhìn của họ được khai mở, biết hết những chuyện thời sự trong và ngoài nước. Từ lũy tre làng, họ biết mọi thứ chuyện ở nước ngoài.

Trong quá trình dạy bình dân học vụ năm 1945 - 1949, việc ông “mở lớp” ai đến cứ đến, ai học cứ học, ông dạy bằng cả tấm lòng của mình. Hàng trăm khuôn mặt học trò thân quen đã neo lại trong ông. Tình cảm Thầy – Trò không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giữa họ đều chung một sự tương đồng, sẻ chia kiến thức.

Vì sự tiến bộ của xã hội giữa người dạy và người học trong những năm ấy, không có sự gò bó ràng buộc nhau. Họ tìm đến nhau bởi cùng chung một mục đích dạy và học để khai mở ánh sáng cho cuộc đời. Giữa người dạy và người học lại chia sẻ, đồng cảm với nhau trong cuộc sống. Việc dân tự mở lớp, mời thầy đến dạy là một việc làm đáng quý, người dân giác ngộ việc học. Đó là việc làm mang tính bền vững. “Ngày xưa nơi nào có lớp học, nơi ấy là một vườn hoa” - (Hoàng Đạo Thúy).

Giáo dục hiện nay “lốm đốm”

 Với kinh nghiệm hơn 70 năm đứng lớp, ông Trà thừa nhận giáo dục Việt Nam hiện nay đang có hiện tượng “lốm đốm”. “Hiện nay, tôi vẫn đang dạy các cháu học sinh, mà thực chất là lấp lỗ hổng kiến thức của các em. Phải thừa nhận rằng, nhiều em đến lớp không hiểu bài, lối tư duy không phát triển. Hiểu bài nông, chắp nối. Tất cả những học sinh đến học với tôi đều chung một tình trạng ấy” – thầy kể.

 Ông Trà không giấu: “Bên cạnh đó, các em học ôm đồm, nhiều kiến thức mở, không phù hợp với thực tế cuộc sống, vô bổ, không mang lại hiệu quả thiết thực cho các em. Thầy giáo dạy nhiều bài học hình thức, không có cũng chẳng chết ai. Sau một thời gian không dùng đến, kiến thức của thầy lại trả thầy. Ngày xưa từ lớp 3, chúng tôi đã được học Pháp Văn, đến năm lớp 12 tất cả thi Tú tài hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Ngần ấy năm mà đến nay chúng tôi vẫn nhớ như in khối kiến thức ấy”.

 So sánh như vậy để thấy được sự học ngày xưa, các lớp bình dân học vụ dùng phấn, thậm chí cả gạch, sỏi đá để viết xuống đất thay cho bút và giấy như bây giờ. Các lớp học bình dân được mở khắp nơi, trong nhà dân, đình chùa, miếu mạo, chỉ cần mấy chiếc ghế băng, ghế tựa đặt quanh bàn, quanh chiếc phản, cánh cửa, tấm ván mộc làm bảng đã thành lớp học… Vậy mà đã có bao nhiêu người thành danh, trưởng thành từ những lớp bình dân học vụ ấy.

 “Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta đã được đầu tư lớn, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại… Nhưng tôi rất lo, nền giáo dục chúng ta nguy cơ một cách lạ lùng. Nếu chúng ta không chấn chỉnh lại phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo sẽ là một thảm hại cho nền giáo dục. Nguyên nhân chính vẫn là ở giáo viên. Ngày trước, khi tôi học, những người học giỏi, đứng đầu cả lớp, trường mời vào học trường sư phạm. Việc những người giỏi học trường sư phạm, được đãi ngộ tốt, họ sẽ chuyên tâm dạy học, đào tạo lên những thế hệ kế cận giỏi” – thầy Trà thẳng thắn.

 Về chương trình học, ngày xưa khi học xong hết chương trình Certificat (hết lớp 6), học thêm khoảng 2 - 3 năm là đã có thể đi làm nhiều nghề có chuyên môn, làm ông Thông, ông Phán... Chương trình học đã cung cấp đầy đủ cho những người không có khả năng học đại học những kiến thức thiết yếu trong cuộc sống. Trong khi chương trình bây giờ kéo dài, học không biết bao giờ mới hết. Nhiều sinh viên học xong hết đại học, ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng…

Ông giáo già khẳng định: Đây là thực trạng báo động đỏ đối với ngành giáo dục của chúng ta. Thực trạng này đòi hỏi ngành giáo dục có những quyết sách, những điều chỉnh đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.