Ký ức Hà Nội

Thu Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những búi dây điện thoại giăng mắc trên thân cây, cột điện để dẫn được vào ô cửa từng nhà trong khu dân cư đã vắng bóng trong cuộc sống người đô thị.

Những bốt điện thoại công cộng đứng dọc vỉa hè với bảng số, ống nghe và khe nhét thẻ thanh toán cũng không còn hiện diện. Ký ức thân thương mang tên điện thoại nhắc ta nhiều luyến nhớ về Hà Nội một thời của nhữ̃ng năm 1990, song cũng cho người ta vỡ òa trong cảm nhận về sự đổi thay tuyệt vời của Hà Nội trong hành trình đi tới Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Đám trẻ lớn lên sở hữu điện thoại thông minh tương tác với cả thế giới hôm nay không có trong lòng những hoài niệm về Hà Nội một thời với các bốt điện thoại công cộng nhỏ xinh nơi góc phố. Nhưng thế hệ 7X, 8X “đời đầu” thì lại có vô vàn kỷ niệm gắn với các hộp điện thoại đứng cố định trên phố cho những đôi chân di động tìm đến kết nối nhớ thương. Ở đó chứa đựng cả niềm tự hào, sự hãnh diện xen lẫn cả háo hức, mong chờ.

Đúng là phải quay lại những năm 90 của thế kỷ trước, người ta mới thấy điện thoại công cộng hữu dụng đến độ nào. Lúc đó, viễn thông chưa phát triển như ngày nay, điện thoại mang danh một loại dịch vụ đắt đỏ, chỉ dành cho những gia đình khá giả trong TP.

Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại di động khiến những bốt điện thoại công cộng ở Hà Nội chỉ còn là ký ức. Ảnh: Công Hùng
Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại di động khiến những bốt điện thoại công cộng ở Hà Nội chỉ còn là ký ức. Ảnh: Công Hùng

Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc nhớ, năm 1995 - thời điểm Việt Nam mới chính thức có tên trên bản đồ viễn thông quốc tế, để lắp được một chiếc điện thoại cố định, phải bỏ ra số tiền tương đương với 2 chỉ vàng để mua máy và kết nối đường dây. Và những bốt điện thoại công cộng xuất hiện trên các dãy phố Hà Nội năm 1997 như thể một cứu tinh cho đám sinh viên xa nhà lên TP trọ học, cho những người lao động tỉnh xa lên TP làm ăn, cho những gia đình có thu nhập khiêm tốn có cơ hội gọi nhau khi cần. Những chiếc thẻ điện thoại, gần 20 năm về trước, từng là vật dụng quý giá trong ví, trong cặp của bao con người nơi Hà thành đô hội.

Cuộc gọi nơi bốt điện thoại công cộng cũng làm thành một nỗi nhớ riêng trong ký ức. Câu chuyện đầy tình cảm nhưng không quá riêng tư, đôi khi lấp lửng, trống không, ngại ngùng… vì xung quanh luôn có người qua lại. Câu chuyện muốn nói dài vô tận nhưng lúc nào cũng vội vàng, chớp nhoáng vì còn người đang đứng chờ đến lượt, vì lo lắng tiền trong thẻ điện thoại đã cạn. Cuộc gọi nơi bốt điện thoại công cộng luôn là một sự đợi chờ vì phải hẹn lên hẹn xuống bao lần mới nghe được trọn vẹn một cú điện thoại của nhau. Nhưng vì thế mà những chiếc bốt điện thoại ấy luôn chở theo yêu thương và đong đầy cảm xúc. Bàn số phai chữ, ống nghe bạc màu… là chứng nhân cho những hẹn hò, cho sự hữu dụng, cho những mạch nguồn cảm xúc còn đọng lại trong hoài niệm hôm nay.

Lại nhớ cả dạo ấy, các quán cơm bình dân, thời trang, hàng tạp hóa, nhà trọ… xung quanh khu ký túc xá Đại học Tổng hợp (cũ), Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), Đại học Kiến trúc mạn Thanh Xuân, hay khu ký túc xá Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền)… mạn Cầu Giấy cũng rộn lên vì “dịch vụ telephone” đi kèm. Hàng nào hàng nấy đều nhất loạt lắp thêm cái điện thoại để bàn phục vụ nhu cầu nghe và gọi của những khách hàng là sinh viên, người lao động tỉnh xa thuê trọ xung quanh đó. Đám sinh viên thì thường chờ để nghe hơn là gọi - chờ bố mẹ, người nhà gọi lên cho đỡ chi phí tốn kém. Đám lao động ngoại tỉnh thì chớp nhoáng những cuộc gọi dăm ba câu ngắn gọn, mà tốc độ như… tên lửa.

Thế rồi, nhà nhà mở rộng dịch vụ cho thuê điện thoại, có những nhà trước chỉ 1 máy, 1 sổ ghi tay, 1 đồng hồ treo tường để ang áng thu tiền, sau mở hẳn dãy 4, 5 buồng máy, khung nhôm cửa kính hẳn hoi. Đám sinh viên, người thuê trọ tha hồ gọi về nhà xin “tiếp tế”, những người yêu nhau liên lạc thủy chung, những người xin việc ghi số điện thoại vào hồ sơ, hẹn phỏng vấn... Thế mà, không hề lỡ hẹn, không hề đứt đoạn, người yêu nhau vẫn tìm về với nhau, nên vợ nên chồng. Người cần việc, việc cần người vẫn kết nối được với nhau. Bà chủ nhà khó tính thế mà vẫn đi tìm đứa nọ, đứa kia, đúng ngõ, đúng phòng để nó nghe điện thoại mẹ nó gọi lên…

Nhẩm tính khoảng 7 năm, bốt điện thoại công cộng và “dịch vụ telephone” sống một đời sống sôi động nơi Hà thành, làm thành một vùng ký ức đầy nhung nhớ của tuổi trẻ. Trong vòng 7 năm ấy, 11.000 bốt điện thoại công cộng đã hiện diện khắp dải đất hình chữ S, riêng Hà Nội thì tuyến phố nào cũng có 1 - 2 cái cư ngụ, làng sinh viên Hacinco có hẳn 5 cái đứng xếp hàng ngay trong khuôn viên. Nhưng chỉ 7 năm thôi, vì đến năm 2023 trở đi, chẳng còn mấy ai sử dụng điện thoại công cộng, người ta đón về tay điện thoại di động giá rẻ - ấy có thể xem là dấu mốc kết thúc thời kỳ hoàng kim của bốt điện thoại và “dịch vụ telephone”.

Cơn bão công nghệ đổ bộ vào ngành viễn thông đã dần thổi bay các bốt điện thoại công cộng. Dai dẳng thêm 5 năm, đến năm 2012 loại hình dịch vụ này đích xác chỉ còn trong nỗi nhớ của người đã từng trao gửi yêu thương qua nó.

Giờ thì khung cảnh đã khác, điện thoại di động gần như thay thế điện thoại bàn. Không còn trên các dãy phố dài những bốt điện thoại công cộng, ngay cả bưu điện cũng không còn cabin điện thoại dịch vụ. Các quán cơm, hàng tạp hóa… ken đặc trên phố, nhưng chẳng nhà nào còn treo biển “dịch vụ telephone”. Điện thoại di động mỗi người một chiếc thuở nào chỉ thấy trên phim Hàn Quốc chiếu trên truyền hình, là niềm ước ao của bọn trẻ mới lớn, thì giờ ở Hà Nội đã là như thế.

Đến bọn trẻ tiểu học nhiều khi cũng được bố mẹ trang bị điện thoại để tiện việc đưa đón đến trường, hay dặn dò liên lạc sớm hôm… Điện thoại giờ có thể cho mượn gọi nhờ, chứ chẳng cần phải trả phí dịch vụ như trước. Ngay cả các nhà mạng cũng đến lúc bước vào thời kỳ cạnh tranh thu hút khách hàng bằng chất lượng và dịch vụ chu đáo. Không chỉ Vinaphone, Mobiphone, Vietel… thường thấy với những gói cước tiết kiệm cho người sử dụng, giờ người ta còn liên lạc được với nhau miễn phí qua Zalo, Facebook, Viber… chỉ cần một gói cước 3G, 4G, 5G giá rẻ hay dịch vụ internet thanh toán hàng tháng, thậm chí chỉ cần tạt vào nơi nào đó có wifi.

Chợt nhớ, trong Kế hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch số 174/KH-UBND), TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phổ cập mạng 4G/5G và điện thoại thông minh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 80% hộ gia đình, 100% xã, 100% thuê bao di động là băng rộng, số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 30%. Đến năm 2030 sẽ phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G… Quả thực, so với thời của những bốt điện thoại, “dịch vụ telephone” thì đã là bước chân dài đi về phía Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Hoài niệm mang nhớ thương một thời vẫn hiển hiện ở đây, song niềm vui và hy vọng ở phía trước lại song hành…

Cũng phải hơn 1 thập kỷ, thế hệ 6X, 7X trọ học, kiếm việc nơi Hà thành đều đã từng gắn bó với bốt điện thoại và “dịch vụ telephone”, hẳn là Thế hệ Zen Z lớn lên sở hữu cục gạch hay lướt điện thoại thông minh thật khó hình dung nổi một thời mà bố mẹ chúng đã từng liên hệ về quê, liên hệ với nhau bằng dịch vụ viễn thông nhiều kỷ niệm đó.

Thời ấy với bây giờ, “dịch vụ telephone” trong ký ức và điện thoại di động hiện tại ghi dấu một khoảng cách đáng kể về sự đổi thay của xã hội, của chặng đường phát triển của Hà Nội. Ký ức Hà Nội xưa luôn là dấu ấn đẹp, là một trạm dừng nghỉ tuyệt vời của hoài niệm, một điểm tựa để người Hà Nội tự hào, ghi nhớ, để tiếp tục phấn đấu trong hành trình đi tới và hội nhập với thế giới.