Ký ức không quên về màu áo lính của HLV điền kinh

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh ra trong gia đình hiếu học ở Nam Định, HLV Vũ Ngọc Lợi đến với điền kinh khi mới học lớp 5. Ban đầu, ông chỉ tập cho vui, sau đó, tình yêu của ông với môn điền kinh ngày càng được vun đắp.

Có thể nói, đến thời điểm này, cả cuộc đời ông đã gắn bó với thể thao, điền kinh. Năm 2020 cũng là thời điểm HLV Vũ Ngọc Lợi đã về hưu. Tuy nhiên, trong ông vẫn còn đó chất lính không phai. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với vị HLV này nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Chống dịch như chống giặc"
- Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, không riêng gì thể thao. Tuy nhiên, để có thể đối đầu cũng như vượt qua được điểm khó khăn thì ông và các VĐV của mình đã làm những gì?
Thời gian dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, cũng là thời điểm các VĐV tập trung tại Trung tâm HLTT Quốc gia Hà Nội. Vì thế, ngay sau khi có những thông báo về dịch bệnh từ Chính phủ, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, toàn bộ những VĐV đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Trung tâm "chống dịch như chống giặc" nên “cấm trại” toàn bộ với bên ngoài để đảm bảo an toàn phòng bệnh cho cả Trung tâm. Các VĐV vẫn phải tập luyện bình thường khi Trung tâm đã cách biệt hoàn toàn.
 HLV Vũ Ngọc Lợi trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
- Hiện tại các giải đấu đã phải hoãn, trong đó có cả mục tiêu lớn là Olympic Tokyo 2020. Ông đánh giá gì về những ảnh hưởng đến các VĐV?
Những cuộc thi đấu đầu năm đã hoãn, Olympic cũng phải lùi 1 năm, nên việc thi đạt chuẩn Olympic cũng hoãn đến tháng 12/2020. Thời gian qua do phải giãn cách nên chúng tôi có điều kiện đưa ra kế hoạch cao hơn cho VĐV tập luyện. Hiện tại, nếu không có gì thay đổi thì tháng 6 sẽ có giải, đó là thời điểm chuyển giao từ chuẩn bị chung sang chuyên môn, hay tiền thi đấu cũng như thi đấu. Đây là thời điểm đánh giá quá trình chuẩn bị đến đâu để có thể tiếp tục nâng cao chuyên môn để VĐV đạt đỉnh và đạt chuẩn Olympic.
- Việc lùi Olympic 2020 sau đó 1 năm sẽ trùng với năm diễn ra SEA Games tại Việt Nam. Điều này có gây những khó khăn gì cho các VĐV?
Trong kế hoạch gọi đây là chu kỳ kép, nó có 2 đỉnh là Olympic và SEA Games. Ngay từ đầu khi nhận được thông tin lùi, chúng tôi đã đã xác định, ở đỉnh thứ nhất là Olympic có thể đạt nhưng cũng có thể không, nếu đạt sẽ phải thi đấu.
Còn đỉnh thứ 2 là SEA Games trên sân nhà thì chắc chắn phải đạt. Điều này buộc chúng tôi phải có kế hoạch chính xác, nếu Olypic là tháng 7 và 8 thì SEA Games cũng khoảng thời gian đó năm sau. Vì thế, buộc các VĐV phải tích luỹ vững để có thể đạt được cả 2 đỉnh. Thường thì khi 1 VĐV đạt được 1 đỉnh sẽ bị tụt lùi về phong độ đôi chút, vì thế chúng tôi cần phải giúp VĐV không được xuống quá nhiều, mà phải giữ vững phong độ.
Ký ức không quên về màu áo lính
- Được biết, trong sự nghiệp của ông cũng đã từng trải qua thời gian là người lính khi công tác tại đội điền kinh Quân đội. Nhân ngày 30/4, ông có thể chia sẻ đôi chút về khoảng thời gian đó?
Trước hết tôi phải nói rằng, năm 1992 là năm dấu ấn và bước ngoặt. Tôi và VĐV Trần Xuân Thành của Nam Định đã phải tự bỏ tiền túi để đi thi đấu tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây Thành đạt HCV nội dung 200m, HCĐ nội dung 100m khi 19 tuổi.
Khi có huy chương về chúng tôi được mọi người mới biết đến. Cũng trong giải đó, do điều kiện rất khó khăn, điền kinh Quân đội chỉ tham gia với đội nghiệp dư giành được 1 HCB. Khi đó, Trưởng phòng thể thao Quân đội Bùi Huy Cường và Phó phòng thể dục Đinh Kiều cử người về địa phương có nhã ý mời tôi lên thành lập lại điền kinh Quân đội với vai trò là HLV. Thời điểm đó tôi đã có gia đình và con còn nhỏ nên việc lên Hà Nội rất khó khăn, 2 vợ chồng đã đấu tranh tư tưởng rồi đi đến quyết định đồng ý. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 1993 mới được nhận vào làm ở công nhân viên quốc phòng với danh nghĩa là HLV. Lúc đó có VĐV của Nam Định cũng đã theo tôi để gia nhập Quân đội.
 Hình ảnh hiếm hoi của HLV Vũ Ngọc Lợi (giữa - hàng trên) cùng các VĐV điền kinh Quân đội vào năm 1995. Ảnh: NVCC.
- Chắc chắn rằng thời điểm mới đầu sẽ có những khó khăn, ông có thể chia sẻ thêm?
"Nhập ngũ" từ năm 1993, nhưng phải đến năm 1994, Quân đội mới chính thức có đội điền kinh theo tính chất bán chuyên nghiệp và chỉ có VĐV nghiệp dư. Khi đó, tôi là người trực tiếp đi tuyển quân ở các tỉnh, trong đó có Hoà Bình, Hà Tây (cũ), Thái Bình…
Khi chính thức thành lập, điền kinh Quân đội được đầu tư tốt với nhiều môn thi đấu trong đó có ném lao - môn truyền thống của Quân đội, rồi chạy cự ly ngắn, đặc biệt có chạy rào và các môn nhảy.
Trong thời gian này, lực lượng thi đấu nghiệp dư rất hùng hậu. Do là thời điểm đầu gây dựng lại, việc tuyển quân có khó khăn. May mắn là tôi đã được đi học và trang bị cho mình những kiến thức từ khi còn học ở Liên Xô cũ để giúp tôi có con mắt nhìn VĐV. Các VĐV được tôi tuyển khi đó đã có thành tích, số người tuyển vào bị loại chỉ chiếm 10%.
- Việc ông đi tuyển quân tại các tỉnh diễn ra như thế nào?
Trong suốt quá trình ở Quân đội, tôi được tạo điều kiện di chuyển bằng những phương tiện khác nhau của đơn vị, nhưng đa phần đi bằng xe máy. Nhớ nhất là đi xe máy vượt qua dốc Kun ở Hoà Binh. Trước khi đi, tôi được anh em ở các nơi chỉ giới thiệu ở đó có VĐV này có năng khiếu nọ kia chứ không biết rõ. Điển hình chính là VĐV Bùi Văn Hà ở Hoà Bình với bộ môn 10 môn phối hợp hay Bùi Kim Hiệp ở Kim Bôi… sau này đã trở thành nhà vô địch SEA Games.
Còn khi đến Thái Bình thời điểm đó không có nhà nghỉ, đi tuyển chọn đôi khi phải ngủ lại nhà dân hoặc có những lúc mình đến được trạm nghỉ của quân đội, nhà khách quân đội được đón tiếp nồng hậu và chu đáo. Vì lẽ đó và lòng đam mê, tôi đi tìm ở nhiều chỗ để có nhiều VĐV. Qua các giải thi đấu chiến sĩ trẻ toàn quân cũng phát hiện ra, trong các giải đó ông Nguyễn Trọng Hổ - nay là Vụ trưởng vụ thành tích cao cũng được tôi tuyển chọn về.
 HLV Vũ Ngọc Lợi ăn mừng cùng VĐV Đinh Thị Bích khi giành HCV tại SEA Games 30. Ảnh: Bùi Lượng.
- Vậy trong thời gian đầu cũng như công tác ở đội điền kinh Quân đội, kỷ niệm nào là nhớ nhất đối với ông?
Tôi có khoảng 10 năm gắn bó với Quân đội, thành tích mà tôi ấn tượng nhất đó chính là của VĐV Cù Thành Giang – người phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 100m với thành tích 10 giây 4, chỉ sau 1 năm rưỡi tập luyện thời điểm năm 1996-1997. Đây là thành tích cực kỳ tốt vì Giang có nhiều tố chất, sau đó Giang còn vào đội hình 4x100m tiếp sức nam Quốc gia.
Trước Cù Thành Giang cũng đã có những VĐV giành HCV như Vũ Minh Đạt, Bùi Văn Sỹ của Quân khu 5, Nguyễn Mạnh Tùng của An Giang. Nhưng đây đều là các VĐV nghiệp dư, sau khi vào Quân đội đều đạt đại kiện tướng. Đặc biệt, đội hình 4x100m nam luôn là đội mạnh nhất quốc gia thời điểm đó. Ngoài ra, tôi nhớ thời điểm đó có 1 giải thi đấu gần ngày 30/4, Cù Thành Giang phá kỷ lục ở giải quốc tế TP Hồ Chí Minh. Sau 3 năm thành lập Quân đội đã đạt thành tích đáng khâm phục.
- Ông có 10 năm gắn bó với Quân đội và cũng đạt được không ít thành tích, vậy lý do gì khiến ông chia tay với màu áo lính?
Năm 2001, tôi đã gặp cản trở lớn về bệnh tật khi phải phẫu thuật cắt túi mật, nhưng do bị nhiễm trùng ổ bụng nên phải phẫu thuật 7 lần, các bác sỹ ở Bệnh viện 108 cho rằng khả năng vượt qua được của tôi là 99%, nhưng điều thần kỳ đã giúp tôi vượt qua chỉ sau 1 tháng rưỡi. Ra viện sau đó tôi không còn sức lực nên được chuyển sang tham mưu chính trị của Quân đội. Nhưng sau đó tôi thấy không phù hợp do sức khoẻ nên tôi xin ra quân và trở về công tác tại địa phương.
- Từng là một người lính, ngày 30/4 có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân ông ?
Với tôi, dù còn công tác trong Quân đội hay không thì đây là một ngày thiêng liêng. Ngày 30/4/1975, tôi là 1 VĐV đang tập huấn, ăn ở tập trung xa gia đình nhưng đến giờ tôi vẫn còn nhớ những ấn tượng sâu sắc. Dù khi đó mới 15 tuổi nhưng đã nhận thức được sự thiêng liêng, hưng phấn tột độ và cảm xúc rất khó tả. Tôi cũng là 1 thanh thiếu niên tiêu biểu được vinh dự cầm đuốc khắp TP Nam Định để ăn mừng chiến thắng.
Đến khi vào Quân đội thầy trò chúng tôi liên tục có khoảng thời gian ôn lại kỷ niệm, hát những bài hát vui tươi, đặc biệt là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào của người lính. Đến giờ thời gian nối tiếp thời gian, chúng tôi vẫn nuôi dưỡng tinh thần về ngày vui như Tết đó.
- Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần