Được sống và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, những người lính thuộc Đại đoàn 308 - "Đại đoàn Quân Tiên Phong" vẫn vẹn nguyên cảm xúc, ký ức hào hùng của những năm tháng không thể nào quên.
Nhiệm vụ đặc biệt
Vào những ngày tháng Mười lịch sử, chúng tôi có dịp thăm và trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Phó ban Quân báo của Đại đoàn 308. Ở tuổi 93, là thương binh nặng, sinh hoạt khó khăn nhưng ông Tùng vẫn nhớ như in những câu chuyện của 65 năm về trước.
Ngày 8/10/1954, đồng chí Vũ Huy Hậu - Chính trị viên Tiểu đoàn 18 (Tiểu đoàn Bình Ca) dẫn đầu đơn vị qua Cầu Đuống về tiếp quản Thủ đô. |
Tháng 9/1954, ông làm nhiệm vụ quân báo, được đơn vị cử về Hà Nội “nằm vùng” trước 2 tuần tiếp quản Thủ đô để nắm rõ tình hình các hoạt động và âm mưu của địch. Ông bí mật liên lạc với cơ sở quần chúng cách mạng ở trên gác ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Thái Học (giáp đường Kim Mã).
Tại đây, ông bắt liên lạc với một cán bộ tình báo ở Hà Nội tên Quý - vốn là bạn học cùng khóa với nhau ở trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của trường Sĩ quan Lục quân 1, nay là Đại học Trần Quốc Tuấn) để nắm tình hình, tin tức. Lực lượng quân đội được Chính phủ giao nhiệm vụ phải giữ được Hà Nội trọn vẹn, yên bình; trong khi đó, quân Pháp vẫn đang đóng chốt tại đây.
Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, ông Tạ Duy Đức - nguyên cán bộ Ban Chính trị Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) năm nay đã cận kề tuổi 90 cũng không khỏi xúc động. Là một trong những người được chỉ thị chứng kiến toán quân Pháp cuối cùng rút ra khỏi Hà Nội theo Hiệp định Geneve, ông Đức kể: 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, ông cầm cờ hiệu, cùng tốp sĩ quan ở Ủy ban liên hiệp đình chiến đi trên cầu Long Biên để giám sát đơn vị cuối cùng của quân Pháp rút sang Gia Lâm. Kể từ giờ phút ấy, Hà Nội sạch bóng quân thù.
Đêm hôm đó là một đêm giới nghiêm đặc biệt của Hà Nội. Trích dẫn hồi ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ – Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hà Nội, ông Tạ Duy Đức chia sẻ: “Thời khắc ấy, đường phố sáng rực những dây đèn kết hoa, cờ bay phấp phới, người dân không ai ra khỏi nhà nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng.
Ngày 9/10/1954, các chiến sĩ Quân Tiên Phong tiếp quản trụ sở Quận 2 Ty Cảnh sát Hà Nội tại phố Hàng Đậu. |
Mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé, bà con trìu mến nhìn bộ đội ta hiền lành giản dị. Đã hơn 3.000 đêm, kể từ tháng 9/1945 quân Tưởng vào, rồi đến tháng 3/1946 quân Pháp đến, cho đến bây giờ Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược. Bởi vậy, ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình của đêm giải phóng”.
Giây phút lịch sử
Trong trí nhớ của ông Tạ Duy Đức, ngày 10/10/1954, khi trời vừa rạng sáng, Nhân dân Thủ đô đã thức dậy. Lệnh giới nghiêm vừa dứt, người người đã đổ ra khắp phố phường và năm cửa ô với đội ngũ chỉnh tề, cờ, hoa, biểu ngữ muôn màu sắc để mừng đón quân ta trở về. Ánh nắng bừng lên rực rỡ, Hà Nội ngày hôm đó thật sự là ngày hội lớn tưng bừng, náo nhiệt.
Sáng hôm ấy, ông Nguyễn Thanh Tùng dẫn đầu một cánh quân của Đại đoàn 308 đi qua khu vực Hà Đông, Ngã Tư Sở, vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi vào trung tâm Hà Nội. Các cánh quân khác của Đại đoàn 308 rầm rộ tiến vào TP giữa tiếng hò reo liên tục của hàng chục vạn đồng bào.
Những cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ, những cô gái, nữ sinh trong bộ quần áo đẹp nhất, ôm bó hoa tươi bước ra giữa đường trìu mến trao tặng các anh bộ đội. Những thanh niên đồng phục trắng toát vừa đàn vừa hát các bài ca cách mạng, những em thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả từng đàn bướm màu bay vào đậu trên vai những người anh thân yêu trong “ngày về” chiến thắng.
Sau khi diễu hành qua các con phố, đến trưa, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới tập hợp thành từng khối vuông đều đặn để chuẩn bị làm lễ chào cờ ở Cột cờ trong thành Hoàng Diệu. Người dân kéo đến đông nghịt quanh sân vận động. Ai cũng muốn có mặt dự buổi lễ chào cờ lịch sử này.
Nhắc về thời khắc chào cờ ngày hôm ấy, ông Tạ Duy Đức không khỏi xúc động: Cả Hà Nội dồn về Cột cờ chờ đón giây phút lịch sử. Đã 70 năm kể từ ngày Hà Thành thất thủ, Cột Cờ do nhà Nguyễn xây dựng đã hết phải treo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu rồi lại cờ Tây, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện hiên ngang như thế. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đã gây xúc động mạnh. Ai cũng rưng rưng nước mắt trong phút huy hoàng của Thủ đô và đất nước.
Dõi theo nhịp bước phát triển của Thủ đô
Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục phục vụ việc tiếp quản Thủ đô với cương vị Thư ký cho Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hà Nội Vương Thừa Vũ, vốn là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308. Ông cho biết, sau vài tháng ổn định tình hình, Đại đoàn 308 rút ra ngoại thành Hà Nội, xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, hiện đại, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.
Cuối năm 1989, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nghỉ hưu, sống với vợ con tại Hà Nội. Ông chia sẻ, 65 năm trôi qua, Hà Nội có nhiều thay đổi, ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, con người Hà Nội từ xưa đến nay vẫn thế, vẫn tồn tại cái “chất” đặc trưng, là những con người thanh lịch, nhiệt tình, luôn giúp đỡ người khác; họ chọn cho mình lối sống giản đơn, bình dị.
Ở tuổi 93, ông làm bạn với chiếc máy vi tính, hàng ngày theo dõi, cập nhật thông tin, cuộc sống Thủ đô qua báo chí, qua mạng internet. Tâm niệm "Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời" nên dù tuổi cao, ông luôn cống hiến, góp sức xây dựng văn hóa, khuyến học.
Ông đã sáng lập, xây dựng "Thư viện Khuyến học Cây Tùng" ở quê hương (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Thư viện đã được Bộ VHTT&DL tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng. Cá nhân ông được Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học.
Còn với ông Tạ Duy Đức, sau này khi về công tác tại báo Quân đội Nhân dân rồi nghỉ hưu, ông vẫn luôn cập nhật, dõi theo từng bước phát triển của Thủ đô cũng như của cả nước. Ông là thành viên trong Ban liên lạc truyền thống quyết tử Trung đoàn Thủ đô anh hùng. Vì thế, ông luôn quan tâm, kết nối với đồng đội của mình năm xưa; đồng thời, tham gia tập hợp các bài viết để hoàn thành những trang sách sử về những năm tháng hào hùng.