Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi.
|
Ít ai biết rằng nguyên mẫu nhân vật người tiểu đoàn trưởng trong tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng của Nhà văn Hữu Mai chính là Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi.
Sinh ra và lớn lên tại Huế, ngưỡng mộ và quyết đi theo con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1945, khi 18 tuổi mặc dù tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đậu tú tài Pháp nhưng Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi quyết định xếp bút nghiên tham gia cách mạng và tròn 30 năm sau, sau khi đã đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ông mới trở về gặp lại gia đình.
Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Dũng Chi khi đó mới 27 tuổi, đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 chịu trách nhiệm chỉ huy một mũi quân đánh trực tiếp vào đồi A1, “đầu não” chỉ huy của địch. Trận đánh đồi A1 là một trận đánh dài ngày nhất, ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, kéo dài từ ngày 31/3 đến 7/5/1954.
16h ngày 31/3/1954, Tiểu đoàn của Nguyễn Dũng Chi bắt đầu xuất phát từ trong giao thông hào sâu đến 1m60 để tiếp cận địch. Trong ký ức của ông còn nhớ, ngày hôm đó bầu trời trong vắt không một gợn mây. Chỉ sau vài tiếng chuẩn bị, trận A1 đã bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 31/3/1954.
Trận chiến A1 trải qua những ngày tháng cam go, liên tục giằng co giữa sự sống và cái chết. Những ngày tháng đó, Nguyễn Dũng Chi cùng đồng đội chỉ có một ý chí quyết tâm bằng mọi giá phải đánh thắng.
Trong suốt hơn một tháng trời, các đơn vị bộ binh đã chiến đấu ác liệt, Nguyễn Dũng Chi tận mắt chứng kiến đồng đội mình hy sinh, xác lẫn trong bom đạn của quân thù. Ông bồi hồi: “Thương tiếc vô cùng! Tên anh em giờ đây tôi không nhớ, chỉ biết họ là những chiến sĩ tin cậy được chọn trong số những người dũng cảm nhất để đánh trận quyết định”.
Trưa 7/5/1954, Pháp bắn loạt đạn cuối cùng từ đồi A1 mà theo ông Nguyễn Dũng Chi, đó là một sự đáp trả trong quằn quại và nhục nhã của những kẻ thua trận.
Hơn 15h chiều ngày 7/5, ông cùng các đồng đội nhìn xuống sông Nậm Rốm thấy thấp thoáng đã có vài mảnh vải trắng, cờ trắng đuôi nheo ở phía Tây và đầu sân bay, nhìn xuống phía Nam, mấy cứ điểm 205, 311 gần trung tâm chỉ huy cũng thấy vải trắng đủ kiểu và một số lính Pháp lố nhố phía Tây bờ sông. Lúc đó ông vội nhảy ra khỏi hào, vụt xuống đồi, lội bộ qua sông Nậm Rốn để chạy vào khu trung tâm.
Trước mắt ông, cả đồi A1 là một rừng cờ trắng ngợp trời, từng đoàn lính Pháp tỏa ra các phía để đầu hàng. Đồng hồ lúc đó điểm 16 giờ. Và chiến thắng từ đồi A1 đó đã mang ý nghĩa quyết định: kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Dũng Chi vào hầm De Castries thì hầm đã trốn trơn. Ông thấy trên chiếc bàn tròn của De Castries còn một khẩu súng Browning9 kim loại bóng, một con dao đa năng và một bút máy hiệu Parker. Hiện nay ông vẫn còn giữ con dao đa năng của vị tướng Pháp thất trận làm kỷ niệm.
Sau giây phút rà soát hầm De Castries, Nguyễn Dũng Chi đã gặp tiếp một sự kiện đặc biệt: nhận lời đầu hàng vô điều kiện của Viên quan tư Pháp Marcel Bigeard, sau này trở thành Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, lúc đó cũng còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi.
Nguyễn Dũng Chi kể rằng khi ông đang đứng giữa lưng chừng đồi A1 dốc về phía trung tâm Điện Biên Phủ thì Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chạy ngược lên:
- Báo cáo ban chỉ huy, có quan tư Tây đầu hàng muốn gặp.
Ông lập tức ra lệnh:
- Cho nó lên.
Ngay sau đó, một tên quan Tây cao lớn, mang quân hàm thiếu tá, đầu đội mũ bêrê lệch, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng, đánh gót đưa tay chào:
- Thiếu tá Bigeard thuộc quyền ngài. Quân số chỉ còn 150 người. Đợi lệnh ngài.
Ông bồi hồi nhớ lại: "Chao ôi! Hãnh diện biết chừng nào! Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một tiểu đoàn trưởng Việt Nam nhỏ con tay chắp sau lưng ngắm nghía tên quan tư nổi tiếng của quân đội Pháp, viên chỉ huy cơ động của De Castries đang chào và đợi lệnh của tôi”.
Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi kể rằng Bigeard xin phép được hút thuốc lá và xin cho y tá bó gót chân của y đang bị sái gân và ông đã gật đầu cho phép. Sau đó, Bigeard cùng toán tàn quân, có cả lính lê dương cõng tù binh bị thương trên cổ, lùi lũi leo lên đồi A1 để tiếp tục chờ đợi sự phán quyết của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi vẫn còn nhớ như in xúc cảm trong giờ phút ấy: “Người tôi nhẹ bẫng, lảo đảo như đang đi trên thuyền. Thắng trận rồi, tôi sung sướng cực độ, mà điều kỳ diệu là mình vẫn còn sống! Tôi bất giác sờ xuống đầu gối, các vết thương dính lựu đạn trên đồi A1 lần đầu đã đóng vẩy tự bao giờ, bước thấp bước cao và trong đầu tôi văng vẳng lời Chính ủy Chu Huy Mân đã luôn nhắc tôi trước lúc vào trận: "Ra đi phải chiến thắng trở về".