Hà Nội sang Thu, không chỉ là khoảng thời gian đẹp nhất năm mà còn là mùa ghi dấu lại những mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc với nhiều sự kiện tiêu biểu như chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Nhắc đến Hà Nội, nhắc đến các mốc lịch sử là tự nhiên phòng làm việc của tôi rôm rả mỗi người một câu, hào hứng kể lại những câu chuyện được nghe về thế hệ, ông, bà, cha, mẹ của chúng ta ngày hôm qua về một thời hoa lửa.
Trong không khí vui vẻ, anh chàng thiết kế mỹ thuật Nguyễn Hoài Nam cao hứng kể lại những chuyện thường được nghe ông bà kể cho từ những ngày anh còn là một đứa trẻ. Ngày ấy, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô đã luôn kiên cường chiến đấu với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Dưới chế độ thực dân, dù sống trong “mưa bom báo đạn”, chứng kiến những hy sinh, mất mát ngay trước mắt, nhiều người bị địch bắt bớ, tù đày, nhưng thực dân Pháp không sao dập tắt được ngọn lửa cách mạng tuân chảy trong nhiệt huyết của mỗi người dân Việt Nam. Nhân dân Thủ đô đã đồng lòng đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau, từ những trận tập kích của biệt động nội thành cho đến rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng...
Nhắc đến trường kỳ kháng chiến, trong anh Hoài Nam như trào dâng niềm tự hào vì ông bà mình đã góp phần nhỏ bé cùng Nhân dân Thủ đô lập nên bao chiến công, cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, của “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, để có ngày Đoàn quân được trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.
Giờ khi không còn được ở bên ông, bà, anh Nguyễn Hoài Nam lại nhớ như in những chuyện được nghe kể về ngày ông, bà cùng quân dân Thủ đô, đấu tranh giành lại độc lập. Nên mỗi câu chuyện dù chỉ là nghe kể lại thì giờ đều đã trở thành miền ký ức thiêng liêng và đáng trân trọng, tự hào nhất của thế hệ chúng ta khi. Đó là hào khí của cả một thế hệ “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, là minh chứng rõ nhất cho lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của Nhân dân Việt Nam. Tinh thần ấy luôn được giữ nguyên vẹn trong mỗi thế hệ và được trao truyền cho các thế hệ trẻ hôm nay.
Anh Hoài Nam chia sẻ thêm, lúc bé nhiều khi cũng thấy sao mà ông bà nhiều chuyện thế, cứ nhắc đi nhắc lại, nhắc mãi về những chuyện xưa cũ đã qua của ngày hôm qua, khi mình đang chỉ là đứa trẻ ham ăn ham vui, ham những điều mới mẻ. Nhưng đến giờ bằng thời gian và sự trải nghiệm, cuộc sống này đã dạy cho anh nhiều bài học để cảm nhận được sâu sắc những câu chuyện năm xưa giờ đã trở thành miền ký ức thân thương, đáng trân trọng nhất - nơi ghi dấu lại những tháng ngày lớp lớp cha ông đã đấu tranh, hy sinh, hiến dâng máu xương, cho hòa bình độc lập ngày hôm nay!
Để anh hiểu chiến tranh là mất mát, đau thương không gì bù đắp được của ngày hôm qua, là thành quả để hôm nay chim vẫn hót trên cành và hoa lại nở trên ban công mỗi ngôi nhà… để thế hệ chúng ta được sống dưới bầu trời bình yên, được hàng ngày cùng con thơ cắp sách đến trường, để hòa mình trong thành phố đang vận động và phát triển.
Để mỗi chúng ta thêm hiểu những hi sinh mất mát của lớp cha ông, mà thấm thía giá trị của hòa bình độc lập không phải tự nhiên mà có. Nên dù chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta sẽ nhắc lại.
Bởi đó không chỉ là ký ức của 1 thời hoa lửa mà còn là bài học lịch sử cho con cháu về giá trị của hòa bình, độc lập hạnh phúc ngày hôm nay không chỉ có hoa thơm trái ngọt mà được dựng xây và bồi đắp bởi những hy sinh mất mát, xương máu của thế hệ ông bà chúng ta. Vì vậy, thế hệ trẻ cần được tiếp cận để hiểu và yêu, trân trọng giá trị của lịch sử, tạo thành hành trang tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.