“Ký ức Việt Nam” qua ống kính của người Nhật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Lên sóng" đúng ngày Quốc khánh 2/9/2013, tập 9 của Chương trình "Ký ức Việt Nam" dành toàn bộ thời lượng cho những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh được người Nhật ghi lại những năm 1964 - 1969. Đó là những hình ảnh chân thực về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam những năm cuối đời.

Người Nhật cũng khóc khi Bác đi xa    

  

Miền Bắc Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, một nhóm các nhà làm phim của Hãng truyền hình Nhật Bản Nihon Dempa News (NDN) đã đặt chân đến Hà Nội và xin được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyện vọng của họ là được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Bác đã đồng ý và đó là hãng truyền hình quốc tế duy nhất có văn phòng đại diện ở Hà Nội lúc bấy giờ. NDN trở thành hãng truyền hình quốc tế duy nhất đưa toàn bộ thông tin, hình ảnh về miền Bắc Việt Nam từ 1964 đến 1981. Đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất khi đế quốc Mỹ mở cuộc ném bom đánh phá miền Bắc (từ tháng 2/1965 đến cuối năm 1972). 17 năm, đều đặn mỗi ngày, các nhà làm phim truyền hình Nhật Bản, với máy quay phim nhựa 16 li, đi khắp Hà Nội và những vùng lân cận để thu vào ống kính những gì họ tận mắt nhìn thấy.

 
Cảnh trong phim “Ký ức Việt Nam”.
Cảnh trong phim “Ký ức Việt Nam”.
Đặc biệt trong kho tư liệu đồ sộ ấy là những thước phim quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm cuối đời, được phát sóng trên VTV1 lúc 21 giờ 50, ngày Quốc khánh 2/9. Nhà báo Xuân Tùng, một trong những người góp sức đưa những hình ảnh này về Việt Nam cho biết: "Tập 9 sẽ có hình ảnh Bác Hồ ngồi trước thềm Phủ Chủ tịch trò chuyện với những người bạn nước ngoài với tác phong gần gũi, chân thành, giản dị. Rồi cảnh đám tang Bác với góc quay độc đáo chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, hàng triệu người đã khóc, trong đó có cả người Nhật. Tôi cứ bị ám ảnh mãi với những thước phim ấy và không nghĩ Bác đã đi xa. Bác như vẫn luôn sống trong lòng mỗi người dân Việt Nam".

Hà Nội những năm 1960 - 1970

Hà Nội những năm 1960 - 1970 đã "đọng lại" trong 8 tập "Ký ức Việt Nam" phát sóng trên truyền hình vừa rồi. Để có được những tập phim ấy, Đài THVN đã dày công xây dựng từ 1.510 phóng sự truyền hình (hơn 6.000 phút phim tài liệu) về Việt Nam những năm 1964 - 1981 được mua lại của NDN. Đây là những thước phim màu duy nhất và vô giá về Hà Nội nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung trong giai đoạn lịch sử đặc biệt là hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt.

“Ký ức Việt Nam” qua ống kính của người Nhật - Ảnh 1

8 tập phim đã phát sóng giúp cho những người đã từng sống trong giai đoạn này không thể không bồi hồi nhớ lại cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng vô cùng gần gũi, giàu tinh thần "lá lành đùm lá rách" ngày ấy. Ông Lê Văn Nam, người từng sống và làm việc hơn 40 năm ở khu tập thể Trung Tự cho biết: "Ngày ấy quan hệ hàng xóm rất thân mật, gần như không có ranh giới giữa các nhà trong khu tập thể. Hành lang thông suốt, không có cửa ngăn, xe đạp để ngoài hành lang, quần áo phơi ở ban công không phải trông".

Được xem lại khung cảnh Hà Nội của những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thế hệ trẻ 8x, 9x cũng đã cảm nhận được những nét đẹp của một Hà Nội xưa. Khán giả Trần Thế Thực (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Là thế hệ 8x, nên em chỉ được nghe láng máng qua lời kể của cha mẹ, thầy cô về một Hà Nội trong chiến tranh, thời bao cấp và giai đoạn đầu công cuộc đổi mới. Được xem toàn bộ những hình ảnh chân thực, sống động về một giai đoạn lịch sử của Thủ đô, của con người Hà Nội quả là thú vị. Qua đó, em hiểu hơn về cuộc sống thế hệ trước, đối chiếu với hiện tại và để thêm yêu Hà Nội".

"Ký ức Việt Nam" chưa dừng lại, sẽ còn rất nhiều câu chuyện ít người biết về một giai đoạn lịch sử vĩ đại, hào hùng chiến đấu và chan chứa yêu thương trên nhiều lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta… sẽ được kể lại vào 21 giờ 50 từ thứ 2 đến thứ 5 trên VTV1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần