Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức xưa khi làng lên phố

Nguyễn Thi Minh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc tới làng xóm của người Việt, nhất là vùng ngoại thành của Kẻ Chợ xưa, người ta nhớ ngay lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình, những hồ ao phủ xanh các loại bèo, nước trong leo lẻo.

Thời gian trôi nhanh, cuộc sống cũng đổi thay, giờ làng cũng đã khác, không ít làng đã lên phố, hiếm nơi nào còn bụi tre, cây đa, bến nước, nhất là những bông hoa tím nổi bật giữa màu xanh ngát của lá bèo tây ở các ao, hồ. Thế nên, người ta nhớ, người ta thương những miền quê ký ức của thuở thiếu thời đánh đáo, chơi chắt, nhảy dây.

1. Đã mấy chục năm - đủ để nói là xưa, bèo nhiều và thông dụng đến mức chỉ một người quê chân lấm tay bùn, một cô gái đầy chất thôn quê là đủ để người ta nói “Chân còn dính bèo tấm”. Nay thì có khi lớp trẻ người làng lớn lên chẳng còn biết phân loại, gọi tên từng loại bèo cho đúng. Đôi người già chép miệng, nhớ cái ao bèo thuở thiếu thời gắn với bao kỷ niệm mà giờ có khi dấu tích chẳng còn. Ao lấp, đom đóm đêm xưa khiến trẻ con vừa thích vừa sợ khi đi một mình, cũng biến mất theo.

Xưa, mặt nước ao làng cho đến đầm, đấu, cừ, mương không bao giờ bỏ không. Có khoảng đầm bèo tây lên ngùn ngụt tưởng hoang mà không phải. Nhà ai nuôi lợn, rau cỏ thiếu đều ra vớt gánh bèo chặt quang gánh về; lợn phàm ăn thì cứ thế ném vào chuồng cho ăn phần lá non, còn lá già và rễ thì cho lợn dẫm nát làm phân xanh vụ tới. Hoa bèo tây thường mê hoặc lòng người, bông hoa tím cánh mỏng, ngắt lên khỏi mặt nước là héo, nhưng luôn là thứ hoa dân dã để nhớ cho bao người. Nhớ hoa bèo, nhớ những vất vả, khốn khó của ngày “bèo rau cám bã” nuôi lợn, nuôi gà chắt chiu nuôi con, nuôi cháu.

Ao làng Thiên thuộc xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Huế - Đình Hiếu
Ao làng Thiên thuộc xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Huế - Đình Hiếu

Nhớ những trưa nắng trảng, đem sào đi vớt bèo lại mò được bữa ốc bươu béo ngậy, vàng ươm. Một công lội đầm thì phải biết tính như thế. Nhưng cũng có người tính kiểu khác. Cứ thấy người ta đi vớt bèo là đi theo, 1 lần thì bảo là vô tình, nhưng suốt cả mùa đều gặp thì chẳng ai còn tin là vô tình nữa. Tay con gái yếu, vớt bèo Tây khá vất vả, nhưng tay con trai chỉ mấy khỏa đã được hai gánh bèo tướng cho cả hai nhà… Thế rồi xa cách, biệt ly, kẻ Nam, người Bắc, nhớ nhau lại thấy phận người như cánh bèo. Người xuất ngũ lấy vợ Nam, lập nghiệp trong đó. Người đến tuổi thì lấy chồng làng. Đầm xưa giờ đã cho thầu nuôi cá, nuôi vịt. Bèo Tây chỉ loáng thoáng, thi thoảng có đôi bông hoa bé tẹo chứ không ngùn ngụt như xưa…

2. Vẫn là xưa, ao hồ của chung làng xã, chưa đấu thầu thì mặt nước chung ấy mỗi nhà một cách tính. Người lấy sào ngăn khoang để thả rau muống bè, người thả bèo cái, bèo hoa dâu, bèo tây phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình.

Bèo cái thường phải thả và vớt theo lứa chứ không đẻ nhánh khỏe như bèo tây. Đến lứa mà không dùng hết, người ta vớt đem đi bán ở chợ phiên. Người mua về băm trộn cám sống hay nấu cho lợn ăn, người lại mua làm giống thả ao nhà. Gánh bèo người xếp chặt tay mới được nhiều, xếp lỏng, xộp thì được ít, thế nên người mua cứ phải nhấc cả lên mới áng được lượng bèo trong quang gánh. Bèo tây là giống nhập khẩu về thôn quê sau này, người làng phải học để biết cách nhân giống cho năng suất cao.

Những năm còn tính công điểm hợp tác xã và cho đến thời khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (thường gọi là khoán quản), phong trào nuôi trồng bèo hoa dâu rất mạnh. Chẳng nói đâu xa, bèo hoa dâu khiến tên xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) nổi như cồn; nhiều địa phương trong nước cử đại diện về học tập phương pháp nhân giống bèo này. Những năm sau chiến tranh, đất nước còn đói nghèo, cấy trồng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới tiêu, thủy lợi và phân bón. Nguồn phân chuồng, phân xanh từ bèo đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt phân bón cho nhiều địa phương, mà xã Bình Minh chính là một điển hình của mô hình này. Cho đến giờ, nhắc đến bèo hoa dâu, người già và những người trung niên vẫn ngậm ngùi muốn kể thật nhiều chuyện xưa - câu chuyện từ bèo rau lan sang đến trại chăn nuôi, khoán quản…

Còn có 1 giống bèo rất đặc biệt mà không phải ai cũng biết là bèo ong, thường được thả ở các giếng đất trong làng vì bèo này làm sạch và trong nước. Bèo màu nâu, cánh sâu, cuộn lại như tổ ong nên gọi là bèo ong. Nhớ bèo, nhớ giếng làng - nơi “mắt rồng” này luôn đầy ắp kỷ niệm của bao thế hệ người làng, nơi có thể diễn ra một số nghi lễ tế tự, thờ cúng của làng, nơi cung cấp nguồn nước ăn cho người làng nhiều đời. Người ta vẫn nói “ăn nước giếng làng ấy nên con gái trắng xinh”, hoặc ăn nước giếng làng, nên giọng nói làng ấy khác làng kia… Nhớ giếng làng, nhớ bèo tổ ong cũng là phải.

Lại nhớ cái cừ của làng, rau cần cấy từ độ sang mùa, khi đến lứa chưa giá buốt xanh mởn. Cô dâu mới cưới mà tinh sương đã phải dậy đi lội cừ nhổ cần đem bán cho kịp buổi chợ. Rau cần là loại rau bị lắm bèo tấm bám thân, nhổ cần đã phải lựa, rồi lại phải khỏa bùn, khỏa bớt bèo… Sã cánh tay mới đưa được gánh cần ra mương, khỏa thật lực lần nữa mới nhặt được hết tướp và sạch bèo tấm. Được cái rau cần là món đắt hàng, gánh cần trắng ngần,xếp theo lớp lang chặt quang, gánh được đến chợ làng thì đã bán vợi. Bán hết gánh cần nhìn xuống chân mới thấy xà cạp quên chưa tháo, tay áo còn lấm những bèo tấm đã khô... Nay cần trồng cạn, cứng và xào không ngọt như xưa. Bèo tấm cũng chỉ ở những chân ruộng thấp, ngập nước. Chỉ người canh nông, cánh chăn vịt mới biết đến hay nhớ tới bèo tấm, chứ đám trẻ bây giờ khó biết đến thứ bèo nhỏ xíu, xanh non kín mặt ao hồ kia…

3. Chuyện xưa, người xưa hay nhắc nhớ là thế, còn chuyện của cây bèo tây hôm nay, khi qua tay người thợ để trở thành những thảm, giỏ đựng đồ, kệ để sách báo, mũ, túi, khay giấy, bình hoa, đôn, kệ… - những vật dụng nội thất độc đáo, pha lẫn nét truyền thống và hiện đại. Chỉ cần ghé chân đến một cơ sở sản xuất sản phẩm từ cói và bèo tây ở Dương Nội, Hà Đông, hay ghé những cửa hàng decor trong phố… là thấy những hiện thân mới của những cánh bèo tây.

Từ những thân bèo nổi trôi năm nào, qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng nghề đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, vừa mang hồn vía của làng quê Bắc Bộ xưa, vừa mang nét thanh lịch, duyên dáng của đất và người Thăng Long - Hà Nội đương thời. Có ai ngờ những thân bèo tây lênh đênh trên mặt ao, mặt hồ lại hóa thân được thành những vật dụng nội thất hiện đại, khiến không gian căn phòng có nó sang trọng và tinh tế hơn vì pha lẫn nét truyền thống với hiện đại. Nghệ nhân làng nghề nức tiếng xưa nay là phải, họ gom bèo tây về, cắt bỏ phần gốc, lá rồi hong nắng cho khô để làm nguyên liệu như mây, như cói.

Cứ ngắm các bà, các chị Hà thành hôm nay, áo dài tóc mây cầm theo chiếc túi làm từ bèo tây, đội những chiếc mũ tết từ thân bèo làm duyên… mà thấy yêu thương đến lạ. Cứ thấy ở đó vẹn nguyên phong thái người phụ nữ đất Kinh kỳ xưa: duyên dáng, thanh lịch, đảm đang, nhanh nhẹn và tài hoa không kém. Cứ thấy rõ rành, bèo tây đã len chân vào thói quen dùng sản phẩm làm từ cói, len chân vào xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường của người Hà Nội hôm nay...

Người làng bảo, nghề đan bèo Tây xuất hiện từ năm 2005, nhưng phát triển mạnh là những năm gần đây. Vậy là, khi làng trở thành phố, bèo tây không trôi vào lãng quên mà đã theo người đương thời vào phố, hóa thân trong đời sống đương đại và còn sải bước sang cả thị trường Mỹ, Đức, Nhật Bản, Đan Mạch… Bèo tây vẫn hiện diện mỗi ngày trong đời sống bằng một vóc dáng hiện đại, trở thành sản phẩm không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nhắc nhớ tới văn hóa của làng, giữ gìn được nghề truyền thống của vùng đất Kinh kỳ, Kẻ Chợ.