Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề án Phát triển bền vững một triệu hec ta lúa:

Kỳ vọng chuyển mình của đồng bằng sông Cửu Long

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh là giải pháp hiệu quả cho bài toán của ngành hàng lúa gạo, "cuộc chơi lớn" cần phải lưu ý “Hết lòng - Tuân thủ - Linh hoạt - Hợp tác - Kiểm soát”.

Kỳ vọng chuyển mình

Ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Địa phương có diện tích gieo trồng lúa lên tới 700.000 ha, sản lượng lúa hàng năm từ 4,4 – 4,5 triệu tấn (nhiều năm liền đứng đầu cả nước từ năm 2020 đến 2023); diện tích gieo trồng lúa chất lượng gạo cao chiếm trên 90% diện tích gieo trồng hàng năm.

Tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gắn liên kết tiên thụ ngày càng tăng, năm 2023: toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 1.334 cánh đồng (tăng 641 cánh đồng so năm 2022) với diện tích 167.225,69 ha (tăng 57.893,69 ha so năm 2022).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Hữu Tuấn)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ (tăng 524 cánh đồng so 2022) với diện tích 120.696,58 ha (tăng 46.257,58 ha so 2022) và có 55.165,8 ha sản xuất an toàn, đạt các chuẩn chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật, ….

Công tác quản lý cấp mã vùng trồng được quan tâm chỉ đạo, đến năm 2023, toàn tỉnh có 403 mã vùng trồng được cấp cho 15 loại cây trồng với diện tích hơn 13.600 ha, sản lượng hàng năm ước khoảng trên 224 nghìn tấn; trong đó, cây lúa được cấp 333 mã vùng trồng với diện tích trên 12 nghìn ha, sản lượng ước khoảng trên 115 nghìn tấn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

“Nông dân rất kỳ vọng “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50% vào năm 2030” - ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Đề án phác thảo “bức tranh” phát triển tổng thể hơn, bao trùm hơn. Nhờ vào các hình thức hợp tác, liên kết, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, người trồng lúa có thể tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp.

Đề án Phát triển bền vững một triệu hec ta là “cuộc chơi lớn”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, trong triển khai đề án, sẽ gặp bốn vấn đề khó. Đó là: đây là “cuộc chơi lớn” từ trước đến nay đối với ngành hàng lúa gạo. Vấn đề thứ hai là việc thay đổi thói quen của tất cả mọi người trong sản xuất lúa gạo. Vấn đề thứ ba là việc tác động của của thị trường, giá lúa gạo thường xuyên thay đổi tăng giảm. Vấn đề cuối cùng là việc thống nhất một số việc liên quan đến lợi ích cá nhân. 

Đề án phát triển bền vững một triệu hec-ta lúa chuyên canh kỳ vọng của nông dân. (Ảnh Hữu Tuấn)
Đề án phát triển bền vững một triệu hec-ta lúa chuyên canh kỳ vọng của nông dân. (Ảnh Hữu Tuấn)

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ ngành liên quan và các địa phương lưu ý 10 chữ “Hết lòng - Tuân thủ - Linh hoạt - Hợp tác - Kiểm soát”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý trong thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là “hết lòng”.

Phải “tuân thủ” - vì nếu không tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, quy định, tiêu chuẩn thì chúng ta thất bại. Tiếp theo phải “linh hoạt”, phải tuân thủ trong nguyên tắc nhưng phải linh hoạt trong cách ứng xử, vì theo Phó Thủ tướng, thị trường luôn biến động, linh hoạt để phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh tới sự “hợp tác” - giữa các cơ quan trung ương với nhau, với địa phương và sự hợp tác của các doanh nghiệp. Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhắc tới “kiểm soát” - phải có sự kiểm soát để không bị lệch hướng, kịp thời điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế biến động từng ngày.