Kỳ vọng lớn với “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khá nhiều người làm du lịch ngày 15/3/2022 chính thức mở ra cơ hội bắt tay thực thi chiến lược "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam).

Văn bản số 1265 ngày 15/3/2022 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh vừa ban hành và ngay sau đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được các DN du lịch trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ giúp phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành kinh tế này. Đây cũng được coi là bước tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly

Với khá nhiều người làm du lịch ngày 15/3/2022 chính thức mở ra cơ hội bắt tay thực thi chiến lược "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.

Kỳ vọng lớn với “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” - Ảnh 1

Riêng tháng 2/2022, khách du lịch nội địa đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380%, trong đó có hơn 6 triệu khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, theo kết cấu doanh thu du lịch nội địa chỉ chiếm 17,5% doanh thu, nếu không sớm có giải pháp nối đường bay quốc tế thì du lịch Việt Nam sẽ chậm chân hơn các nước trong khu vực, khả năng hồi phục đạt doanh số 31 tỷ USD như năm 2019 trở nên xa vời.

Sáng 15/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Đây là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ giúp cho ngành Du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Chiều 15/3, Bộ Y tế ban hành quy trình đón khách quốc tế rất thông thoáng, khách chỉ cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Hành khách sau khi nhập cảnh bằng đường hàng không phải xét nghiệm lại khi nhập cảnh Việt Nam và không cần thực hiện cách ly. Thậm chí trong văn bản hướng dẫn không đề cập đến việc khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.

Khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam bằng đường hàng không chỉ cần xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi xuất cảnh, không cần xét nghiệm sau khi nhập cảnh, và được tham gia du lịch ngay. Trường hợp có biểu hiện nhiễm Covid-19 phải tiến hành xét nghiệm, nếu dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển thì có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn.

Không chỉ du lịch, thông thoáng còn để phát triển kinh tế

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì Văn bản số 1265 của Bộ Y tế được đánh giá là bước tiến lớn của Việt Nam, phù hợp với hoạt động du lịch quốc tế (inbound và outbound) tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tối cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường để sẵn sàng đón khách quốc tế và phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. UBND quận Hoàn Kiếm thông báo sẽ tổ chức lại hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận này từ ngày 18/3. Đây được coi là những động thái tích cực cụ thể hóa chiến lược “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Golf, TS Phạm Thành Trí cho biết: “Theo tôi, Văn bản số 1265 là rất cần thiết và kịp thời khi mà tỷ lệ đã tiêm chủng
vaccine phòng Covid đạt cao thì không thể đóng cửa mãi được. Mở cửa đón khách quốc tế, không chỉ khôi phục riêng mỗi du lịch mà còn tạo điều kiện để các ngành kinh tế phát triển. Muốn khách "Live fully in Vietnam" thì luật chơi phải giống như các nước khu vực”.

“Ngay trong du lịch quốc tế, trong số 8 nguồn thu từ dịch vụ phục vụ khách thì dịch vụ cho thuê phòng chiếm 23%, dịch vụ ăn uống chiếm 23% và dịch vụ đi lại chiếm 21%. Tổng nguồn thu từ 3 dịch vụ cơ bản này chiếm 67%; còn lại 33% là tổng doanh thu từ các dịch vụ khác; trong đó, 14% là từ hoạt động mua sắm, 8% từ tham quan, 4% là văn hóa, thể thao, giải trí, 1% là y tế và 6% là từ các dịch vụ khác nên mở cửa du lịch là các ngành kinh tế khác cũng có điều kiện phát triển”- TS Phạm Thành Trí chia sẻ.

 

Sau thời gian dài chờ đợi, các quy định mới về nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần xét nghiệm Covid-19 âm tính, chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly được DN chào đón tích cực. So với thời điểm thử nghiệm tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh thì đã có bước tiến dài và UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã có những động thái tích cực, du khách chắc chắn sẽ được “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. - CEO Lê Xuân Vinh Minerva Church Hotel (9 Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm)