Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng lớn với “tiền di động” Mobile money

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng thanh toán bằng tài khoản viễn thông Mobile money có thể diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh hiện nay.

Mobile money mở ra một mảng dịch vụ thanh toán có tiềm năng lớn và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang có nhiều kỳ vọng tại thị trường mới mẻ này.

Điện thoại thay thế ví tiền

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa qua, Viettel, VNPT và Mobifone đã gửi hồ sơ xin cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Bộ TT&TT, Bộ Công an và NHNN đã phối hợp thẩm định và cho ý kiến, hiện các hồ sơ đã được gửi lại cho 3 DN bổ sung chỉnh sửa. NHNN khẳng định, ngay khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, các doanh nghiệp sẽ được triển khai thí điểm theo quy định là 2 năm.

 Ảnh minh hoạ

Mobile money hay “tiền di động”, bản chất là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên thiết bị di động, tương tự giá trị tiền tệ được lưu trữ trong tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng. Khác với các ví điện tử (phải có tài khoản ngân hàng), với dịch vụ mobile money, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa. Sau khi có tài khoản mobile money được định danh, khách hàng có thể chi tiêu đến 10 triệu đồng/tháng. Đồng thời, khách hàng có thể rút tiền mặt từ tài khoản Mobile money tại các điểm kinh doanh của DN cung cấp dịch vụ này.

Từ khi biết chủ trương của Chính phủ cho các nhà mạng di động triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-money, đông đảo người dùng đang ngóng chờ thời điểm được tận tay trải nghiệm công nghệ thanh toán mới mẻ nhưng bình dân này.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở Minh Khai cho hay, có lần chị ra chợ thử hỏi vài người bán về việc trả tiền bằng chuyển khoản hoặc ví điện tử cho an toàn, đảm bảo không tiếp xúc. Kết quả nhận được là không một ai đồng ý vì với số tiền ít và không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Dù vậy với Mobile money, các nhà mạng họ đã có sẵn số lượng khách hàng thuê bao (đến nay, Việt Nam trên 125 triệu thuê bao di động), trung bình mỗi người dân đều sở hữu một số điện thoại cá nhân. Các nhà mạng có một lượng khách hàng cực khủng, không phải cạnh tranh khốc liệt như các ví điện tử các app ngân hàng cạnh tranh tìm khách hàng mới.

Bùng nổ thanh toán điện tử nhờ Mobile money?

Thống kê của NHNN cho thấy, hiện có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng ở Việt Nam bằng tiền mặt. Mobile money được đánh giá là một lời giải cho việc thanh toán không tiền mặt, thậm chí là cả với những người buôn bán nhỏ lẻ. Nếu cấp phép dịch vụ Mobile money cho các nhà mạng viễn thông, vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân.

Đại diện Viettel chia sẻ, với mạng lưới viễn thông phủ sóng 63 tỉnh thành, Viettel hiện có gần 60 triệu thuê bao di động trong nước, có hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý, điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên toàn quốc. Nhờ sử dụng di động ngay cả những vùng không có Internet, người già, người ở vùng nông thôn dễ dàng thao tác thanh toán, chuyển tiền kể cả khi họ sử dụng điện thoại “cục gạch” để thanh toán thông qua tin nhắn SMS. Hiện Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ Mobile money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép.

Với Mobifone, nhà mạng này cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện cho bộ phần phụ trách về nạp thẻ, thanh toán (các merchant), giải pháp định danh và xác thực điện tử khách hàng (eKYC)… “Khi cơ quan quản lý đồng ý cho triển khai thử nghiệm nhà mạng sẽ ngay lập tức cho khách hàng đăng ký và phát triển các merchant để chính thức cung cấp dịch vụ”- Phó Tổng giám đốc Mobifone Bùi Sơn Nam cho hay. Trong khi đó, VNPT có tới 100.000 điểm bán hàng, cũng đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile money.

Dù vậy, theo các chuyên gia đánh giá, triển khai thí điểm Mobile money, các đơn vị viễn thông sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, bảo mật, quản trị rủi ro và định danh khách hàng được xác định là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng để xử lý, hoàn thiện. Đặc biệt, trong thời gian thí điểm, môi trường pháp lý cho Mobile money hiện vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, các chế tài xử lý có thể sẽ không kiểm soát được toàn bộ các vi phạm sẽ xảy ra trong tương lai.

Theo Tổng Giám đốc Viettel Digital Phạm Trung Kiên, Viettel sẽ áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất bằng sự phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, về phía VNPT, hệ sinh thái thanh toán số VNPT Pay vừa chính thức được cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS 3.2.1 sau khi vượt qua 12 nhóm tiêu chuẩn khắt khe của Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council). Theo phía đơn vị viễn thông này, đây là một yếu tố thuận lợi khi VNPT triển khai Mobile money trong thời gian tới khi sẽ đảm bảo nâng cao tính bảo mật thông tin cho hàng triệu khách hàng và các đối tác.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm Mobile money, đến cuối tháng 4/2021, NHNN, Bộ Công an và Bộ TT&TT chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile money. Bộ Công an là đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh đối với các DN thực hiện thí điểm, NHNN, Bộ TT&TT cũng là các đơn vị cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, bảo mật của dịch vụ Mobile-money. Sau thời gian thí điểm Mobile money, NHNN và các bộ ngành sẽ có đánh giá tổng kết để xây dựng hành lang pháp luật chung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán qua điện thoại dự báo sẽ gia tăng

Theo báo cáo Fintech và ngân hàng số 2025 do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, giả sử chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ thanh toán bằng điện thoại với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng giao dịch luân chuyển qua hệ thống Mobile money của Việt Nam có thể lên tương đương hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.