Kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cuối tuần qua đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý I tại các DN thành viên.

Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam. 	Ảnh: Hạ Phong
Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam. Ảnh: Hạ Phong
Theo đó, chỉ số này đã giảm từ 78 xuống 75 điểm. Tuy nhiên, kết quả tổng quan vẫn thể hiện nhận định tương đối tích cực từ các DN tham gia khảo sát đối với môi trường kinh doanh hiện tại và tương lai.

Ghi nhận sự phục hồi

Số liệu khảo sát cho thấy, số lượng DN phản hồi “tốt” giảm từ 52% ở quý trước xuống còn 45% trong quý này. Trong khi ý kiến phản hồi “trung bình” gần như không thay đổi với 31%. 2% DN phản hồi đánh giá “rất xấu”, khảo sát ở quý trước không có đánh giá này; nhưng số lượng phản hồi “rất tốt” cũng tăng đến mức 11%.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, 63% DN nhận định tình hình kinh tế vĩ mô sẽ “ổn định và cải thiện”, tăng so với quý trước (59%). Tỷ lệ DN phản hồi “không thay đổi” tăng từ 20% lên 25%. Sự suy giảm đáng chú ý là số lượng DN phản hồi “Tiếp tục suy thoái” đã giảm từ 21% còn 12%. Các DN tham gia khảo sát dự đoán tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ từ 5,78% xuống còn 5,25% trong 6 tháng tới. Cũng theo kết quả khảo sát, số lượng DN chia sẻ dự định tăng số lượng nhân viên trong thời gian tới chiếm tỷ lệ 48%, trong khi 32% số DN cho biết sẽ giữ nguyên mức hiện tại. Điều này cũng đúng đối với kết quả khảo sát về kế hoạch đầu tư trung hạn, khi mà nhóm DN phản hồi đang xem xét việc gia tăng đầu tư tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất là 41%. Tiếp theo là nhóm lớn thứ hai, gồm 35% DN dự định “duy trì mức độ đầu tư hiện tại”.

Luật mới vẫn chưa đến được với doanh nghiệp

Khảo sát BCI lần này cũng đề cập các câu hỏi liên quan đến những thay đổi của Luật DN và Luật Đầu tư tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu mức độ nắm bắt thông tin của các DN và phản hồi của họ về những thay đổi này. Kết quả cho thấy, 41% DN phản hồi không nắm bắt một cách rõ ràng, chi tiết về các luật mới, 21% DN hoàn toàn không có thông tin liên quan… Từ số liệu này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới cộng đồng DN nói chung và những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có các DN châu Âu nói riêng cần được cải thiện về cả hình thức lẫn cách làm trong thời gian tới. Phần lớn DN mà EuroCham khảo sát mong đợi số lượng đơn hàng/doanh thu tăng nhẹ (lượng phản hồi tăng từ 56% lên 60%). Đồng thời, 65% DN tin rằng lạm phát sẽ tác động nhẹ đến tình hình kinh doanh của họ.

Cùng với những đánh giá trên, các ý kiến phản hồi trong BCI cho thấy, khả năng thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ, bởi đây là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (thang điểm 10), có 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống. Điều này cho thấy, các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho điện. Thay vào đó, các yếu tố quan trọng hơn với nhà đầu tư gồm chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần