70 năm giải phóng Thủ đô

Kỳ vọng một Chính phủ liêm chính

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lẽ, để đi theo hướng xây dựng một Chính phủ Hành động, Kiến tạo và Liêm chính một cách tốt đẹp như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ khi nhậm chức đã mong mỏi, tôi nghĩ Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ không thể làm tốt được nếu như cơ quan điều hành Chính phủ cứ phải giao cả chục ngàn nhiệm vụ mỗi năm cho các bộ, ngành và địa phương giải quyết hoặc chỉ đạo, trao đổi qua lại.

Nếu không, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng khó đôn đốc và kiểm soát tốt hoàn toàn. Bên cạnh đó, nó cũng là nỗi khổ của cơ sở và các doanh nghiệp, từ đó sinh chuyện tiêu cực, phải tính chuyện "chạy" khi chờ mãi không xong...
Một Chính phủ Hành động và Kiến tạo thì công việc cần hanh thông, tránh đùn đẩy ...

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ nay cần chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền của mình và đừng đá ngược quả bóng trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng!. Tôi nghĩ, có lẽ một Chính phủ Hành động cũng cần xuất phát từ tinh thần đó.
  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày 27/9/2016. Ảnh: Thống Nhất
Nói như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì kể từ khi Tổ công tác kiểm tra các văn bản của Chính phủ được thành lập ngày 19/8 tới nay, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có chuyển biến rõ nét. Số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với thời điểm trước đó. Trong 11 tháng năm 2016, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 3,2%, giảm 13,8% so với thời điểm 31/7/2016 (trước khi Tổ công tác được thành lập) và giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn: “Khi được hỏi ý kiến phải trả lời đúng hạn, trúng vấn đề, không trả lời chung chung, không rõ quan điểm; đặc biệt là khi Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến, phải trả lời rõ quan điểm đúng sai, đồng ý hay không đồng ý, tránh ý kiến chung chung, như: “Đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật” hoặc “Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì Bộ đồng ý”, đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Nói không với biếu xén cấp trên dịp Tết

Thực ra, trong gần chục năm qua, mỗi khi Tết đến, Xuân về. Ban Bí thư T.Ư Đảng rồi Thủ tướng Chính phủ cũng luôn ban hành các văn bản, chỉ thị nhắc nhở về một cái Tết tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời cũng nghiêm cấm việc dùng công quỹ làm quà biếu hoặc nhắc nhở không đến lãnh đạo chúc Tết.

Song, tôi vẫn có cảm nhận điều này rất khó thực hiện. Nếu cứ nhìn vào những dòng người, xe cộ biển số ngoại tỉnh từ mọi địa phương đổ về Thủ đô những ngày cận Tết, gây tắc đường nghiêm trọng là đủ thấy... Thế nhưng, cũng tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tôi vừa nêu, câu chuyện mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói xung quanh việc yêu cầu các cấp cơ sở dịp Tết này không về T.Ư chúc Tết lãnh đạo, tôi thấy rất khác. Bằng những lời nói chân tình, thẳng thắn, ngọn ngành, rất "gan ruột", ông mong được thuộc cấp sẻ chia đặng giúp ông cùng các thành viên Chính phủ làm gương... Tôi hiểu rằng, điều mà Thủ tướng bày tỏ và kêu gọi cũng ít nhiều đã hâm nóng lại chuyện muôn thuở chưa làm được để buộc mọi người cùng suy nghĩ.

Tôi cảm nhận rất rõ cái ý mà Thủ tướng muốn chia sẻ với đội ngũ cộng sự trong bộ máy Nhà nước chúng ta hiện có mức lương rất thấp, khó sống và cần được quan tâm. Chỉ có vậy mới hạn chế, tiến tới giảm trừ, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực sách nhiễu dân, DN trong bộ máy công quyền.

Và Thủ tướng chuyển sang nói về chuyện hãy thôi đi chúc Tết nhau. Ông nói chân tình: ..."Tôi xin nói với tư cách Thủ tướng. Hôm nay, ở đây có các đồng chí Bộ trưởng. Rồi qua đây tới cả các Chủ tịch tỉnh, thành nữa. Tết Nguyên đán sắp đến. Ai cũng cứ nghĩ nếu không đến biếu ông Xuân Phúc thì thấy khó chịu quá! Cứ phải lo cho được để có một cái gì đó và chỉ vậy là đã mất ngủ rồi! Rồi cũng cứ thế, các ông Thứ trưởng lại phải "lo" cho các ông Bộ trưởng...". Thủ tướng nhắc nhở: "Không phải chỉ có Chính phủ chuyển động. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều phải chuyển động. Và chính là cả hệ thống chính trị cũng phải chuyển động, phải làm gương... Tất cả cùng phải chuyển động để phục vụ Nhân dân...".

Xung quanh chuyện biếu xén chạy chọt thời phong kiến xa xưa, người ta thường nhắc nhở cháu con tích chuyện của Dương Chấn. Theo "Cổ học tinh hoa" của tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc thì khi ông Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya, đem vàng đến lễ.

Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư”. Vương Mật cố nài nỉ rồi thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.” Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?” Vương Mật nghe nói mà thấy xấu hổ bèn lùi ra.

Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước không tham nhũng, không làm giàu cho mình... (Hậu Hán thư)

Tôi thật thấm thía hơn khi hiểu vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nói chân tình đến vậy. Ông bảo: "Xin nói lại với các đồng chí, ta hãy thôi chuyện đi chúc Tết lãnh đạo đi nhé! Mình có giàu, nghèo gì thì cũng đã giàu, nghèo rồi...". "... Các đồng chí cũng cần dứt khoát cái này để mang lại tiếng thơm cho Chính phủ mới, giữ cho bản thân từng thành viên của Chính phủ. Tôi có trách nhiệm là được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao là phải giữ gìn cái này...". Và, đó chính là khát vọng lớn để xây dựng một Chính phủ Hành động, Kiến tạo và Liêm chính.

Thủ tướng với Hà Nội

Dành sự quan tâm đặc biệt cho Hà Nội, trong năm vừa qua, tại các hội nghị do Hà Nội tổ chức, hay các cuộc làm việc với TP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nhận định sâu sắc, những gợi mở rất sát thực trong quản lý điều hành của Hà Nội.

Mong muốn xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước, ngay sau khi được Quốc hội bầu vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ không lâu, ngày 4/6, dự hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị lớn về DN. Thủ tướng đã đã yêu cầu chính quyền TP phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình DN khởi nghiệp, DN sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội. Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn…

Và thực tế, lãnh đạo TP đã chủ động và tích cực trong quản trị nhà nước, xây dựng năng lực hệ thống điều hành, khẩn trương trong xúc tiến đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Sau đó không lâu, trong một cuộc làm việc với Hà Nội về kết quả thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, sau khi khảo sát thực tế tại chợ Long Biên và xã chuyên sản xuất sau sạch Văn Đức, Thủ tướng đã “truyền lửa” cho Hà Nội tuyên chiến với thực phẩm bẩn. Ví dụ trong quản lý thức ăn đường phố, Thủ tướng chỉ rõ, Hà Nội phải đưa vào nền nếp, quy trình, sạch sẽ để qua đó giới thiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam. Phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân…

Những ngày cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “về” Hà Nội khi đến thăm Khu đô thị nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Sau khi tham quan khu đô thị, trao đổi với người dân sinh sống ở đây, Thủ tướng bày tỏ hài lòng về công tác quy hoạch, thiết kế, nhất là việc hạ tầng xã hội của khu được đầu tư đồng bộ tạo môi trường xanh, sạch, nâng cao đời sống khoảng 10.000 nhân khẩu ở khu đô thị này. Thủ tướng coi đây là mô hình tốt, để từ mô hình này, đúc rút bài học kinh nghiệm, nhân rộng trên cả nước…

Trần Hà