70 năm giải phóng Thủ đô

Kỳ vọng một Việt Nam xanh

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Việc làm cần thiết
Theo GS.TS Nguyễn Thế Chinh - chuyên gia cao cấp Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐK, nhìn lại những nguyên nhân gây ra BĐK, không thể phủ nhận chính việc khai thác rừng một cách kiệt quệ đã làm cho môi trường tự nhiên bị thay đổi theo hướng tiêu cực nhất. Việc trồng cây xanh, trả lại màu xanh cho trái đất và môi trường tự nhiên là việc làm cần thiết.

Đứng trước những thách thức đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đến hết năm 2025, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng rừng sản xuất. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
 Hệ thống cây xanh trên đường Võ Chí Công, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hà Nội vốn là TP nhiều cây xanh nhưng với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số chóng mặt khiến tỷ lệ cây xanh còn hạn chế, chỉ khoảng 2m2/người. Tuy nhiên, cùng với các địa phương trên cả nước, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực phủ xanh TP bằng những hành động thiết thực. Giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh và trồng thêm 600.000 cây đô thị, cây bóng mát, phủ kín trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực.

Lan tỏa hành động vì môi trường

Là một trong những huyện đang phấn đấu trở thành quận, huyện Thanh Trì đang từng bước khắc phục những tồn tại và đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây xanh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn huyện, 5 năm tới, huyện sẽ hoàn thiện tiêu chí đất cây xanh công cộng thuộc đề án đầu tư, xây dựng huyện lên quận. Huyện đặt mục tiêu trồng gần 50.000 cây đô thị, gần 4.000 cây bóng mát, hơn 76.600m2 cây mảng, thảm cỏ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã dự thảo kế hoạch với một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó trồng mới 554.083 cây xanh đô thị (không kể cây ăn quả và cây lâm nghiệp). Đặc biệt, trên địa bàn 5 huyện đang phấn đấu trở thành quận (Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng), đến năm 2025, sẽ tổ chức trồng 321.000 cây xanh (năm 2021 trồng 71.720 cây). Trong năm 2021, TP sẽ tổ chức trồng 38.440 cây; các quận, huyện, thị xã trồng 25.073 cây.

Có thể nói, nỗ lực biến sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ thành phong trào trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm thành hiện thực, đã thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Sẽ không là quá khó, khi phong trào trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường và thiên nhiên được thực hiện thực chất, hiệu quả trong toàn xã hội, lan toả ý nghĩa đến tới từng cơ quan, tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân.

"Trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên suốt thời gian dài vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên trên bản đồ thế giới." - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà