Đề xuất trên đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân lao động.
Nhiều khó khăn
Những năm gần đây, cùng với việc tăng cường phát triển kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, tác động tích cực đến việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhưng đi kèm với đó là hàng loạt những áp lực như thiếu hụt – quá tải về hệ thống hạ tầng cơ sở; dân số tập trung đông và tăng nhanh ở các đô thị... Điều đó đã đặt ra bài toán hóc búa cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tạo dựng chỗ ở cho người dân, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp (công chức, viên chức, công nhân, người lao động...).
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách về nhà ở, trong đó có NƠXH, nhà ở công nhân các khu công nghiệp (KCN) chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ.
Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về nhà ở giai đoạn 2011 – 2020 sẽ xây dựng khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH nhưng đến hết năm 2020 chỉ hoàn thành được 44% mục tiêu.
Năm 2022, là năm thứ 2 thực hiện mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội mới, nhưng tình trạng trên cũng chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm này cả nước chỉ cấp phép mới thêm 11 dự án NƠXH, nhà ở công nhân, trong khi đó số lượng dự án nhà ở thương mại cấp phép mới là 126; tổng diện tích NƠXH, nhà ở công nhân mới đạt 7,3 triệu mét vuông/12,5 triệu mét vuông theo kế hoạch.
Số liệu thống kê xã hội học từ Tổng LĐLĐ Việt Nam vào năm 2020, dân số cả nước khoảng 97,5 triệu người. Trong đó, 37,34% sống ở thành thị, với tốc độ gia tăng 1,03%/năm, xã hội sẽ phải tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm mỗi năm đồng thời phải đầu tư xây dựng mới khoảng 25 triệu mét vuông nhà ở nhằm đáp ứng tình trạng tăng dân số và di cư.
Đáng chú ý, tỷ lệ người di cư thuê nhà chiếm khoảng 43%, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thủ phủ công nghiệp lớn, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách, nhưng cơ chế chính sách, quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp” được Chính phủ tổ chức mới đây. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập liên quan đến phát triển NƠXH.
Cụ thể, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, không thực chất để thu hút, khuyến khích; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán kéo dài, phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, thuê mua thời gian dài, tốn kém...
Tổ chức Công đoàn có vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh cấp thiết về nhà ở cho công nhân, người lao động như hiện nay, việc giao nhiệm vụ cho một tổ chức Công đoàn sẽ càng có ý nghĩa thiết thực, vừa là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời qua đó cũng giúp tổ chức Công đoàn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh
“Ngân sách ưu đãi từ T.Ư chưa được bố trí đầy đủ, cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Nhiều địa phương chưa quan tâm, bố trí quỹ đất trong quy hoạch đô thị, KCN, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án NƠXH” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Trước thực trạng nêu trên, tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH và nhà lưu trú công nhân KCN, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách lựa chọn chủ đầu tư NƠXH nhằm đảm bảo đồng bộ quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đất đai.
Nhưng Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH nói chung và nhà ở phục vụ công nhân KCN nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.
Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công nhân.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định để cơ quan này được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên Công đoàn làm việc tại các KCN mua, thuê, thuê mua.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, muốn phát triển NƠXH, nhất là nhà ở công nhân, cần xác định các hệ thống cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách đã có nhưng việc phát triển chưa mạnh dẫn đến tình trạng thiếu NƠXH.
Đối với thành phần tham gia vào xây dựng, rất cần Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm cho nhà trọ có tiêu chuẩn, mật độ… Kinh nghiệm tại một số nước như Singapore, Hàn Quốc… có sự tham gia của đầu tư công hoặc giao cho DN Nhà nước đầu tư.
“Những yếu tố trên để bảo đảm huy động được các nguồn lực từ Nhân dân cả về tiền bạc, đất đai để tham gia phát triển NƠXH. Nhưng vấn đề quan trọng là các địa phương cần quan tâm tới việc quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển NƠXH.
Đây là việc cần nhiều thời gian, nguồn lực, vì qua thực tiễn cho thấy việc triển khai một số dự án tại địa phương rất mất thời gian” – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay.
Được biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế Công đoàn ở tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II (Hà Nam) có quy mô 4,04ha, 976 căn hộ, đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng hơn 300 căn hộ. Dự án thiết chế Công đoàn KCN Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) quy mô 3,05ha, 998 căn hộ, đang triển khai đầu tư xây dựng.
Đánh giá về đề xuất của Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, nhìn về cách thức phát triển NƠXH trên thế giới, đặc biệt là quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, như: Singapore, Thái Lan... sẽ thấy đây là một đề xuất hợp lý.
Điển hình ở Singapore hệ thống NƠXH đã giúp hơn 80% người dân nước này có nhà, tỷ lệ cao nhất thế giới. Công việc này được Chính phủ giao cho Cơ quan Phát triển nhà ở, làm đầu mối từ việc tham gia lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cung cấp tài chính đến quản lý, vận hành... tất cả đều được diễn ra minh bạch, công khai trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, tránh tình trạng đầu cơ. “Tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có một cơ quan chuyên trách như mô hình của Singapore” – ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.
NƠXH nằm trong hệ thống chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người thu nhập thấp, nên cần thiết phải có một cơ quan của Chính phủ và được Chính phủ chỉ định chịu trách nhiệm trong quá trình này, sẽ tạo ra sự đồng bộ, nhất quán trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu nội dung này được thông qua sẽ là cơ chế đặc thù để tạo đột phá phát triển NƠXH, tuy nhiên cũng cần phải có những quy định riêng về trách nhiệm, nghĩa vụ và cả chế tài.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp