Kỳ vọng từ cuộc gặp ngoại trưởng Mỹ - ASEAN

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/7, Mỹ và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến tổ chức cuộc họp ngoại trưởng, đánh dấu cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai bên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP
Theo thông tin từ Chính phủ Campuchia, cuộc họp trực tuyến được lên lịch sẽ kéo dài trong 90 phút, với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, bao gồm cả ngoại trưởng do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm. Mặc dù không có chương trình nghị sự cụ thể, cuộc họp dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19 và vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 cũng có thể được đề cập như một mối lo ngại, nhưng sẽ không được thảo luận. Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao của ASEAN cho biết, cuộc họp sẽ tập trung phần lớn vào việc “tái tạo sức sống cho mối quan hệ hai bên thời hậu Trump”.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, nhiều người đã lạc quan về khả năng mối quan hệ Mỹ - ASEAN được hồi sinh dưới thời chính quyền Biden, đặc biệt sau quãng thời gian “lạnh nhạt” trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump. Thực tế hơn nửa năm qua tại Nhà Trắng, chính quyền Biden đã sớm liên hệ với các đối tác ASEAN, khi Ngoại trưởng Blinken đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với ít nhất 7 quốc gia thành viên.
Tiếp đó, Tổng thống Biden đã mời 3 nhà lãnh đạo ASEAN tham gia sự kiện Ngày Trái đất, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore nhưng đã bị hủy bỏ do đại dịch. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đại sứ ASEAN tại Washington.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, mặc dù đặt châu Á vào trung tâm chính sách đối ngoại của mình nhưng chính quyền Biden dường như bận tâm hơn cả vào việc củng cố mối quan hệ với các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ. Tổng thống Biden vẫn chưa cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy mối quan hệ với ASEAN - một điểm hội tụ trong liên kết an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được tin có khả năng dung hòa các cường quốc trên tinh thần duy trì nền hòa bình ổn định của khu vực Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tại khu vực được cho cũng đang đi sau Trung Quốc. Mỹ đã và đang đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Chẳng hạn, theo Hội đồng Đầu tư Indonesia, Trung Quốc là nguồn FDI lớn thứ 2 vào Indonesia trong năm 2019, với 4,74 tỷ USD đầu từ, trong khi Mỹ đứng thứ 8 với 989,3 triệu USD đầu tư. Tuy nhiên, các nước ASEAN được cho vẫn mong chờ đầu tư của Mỹ nhiều hơn để tránh sự phụ thuộc.

Giữa bối cảnh này, hiệu quả từ các cuộc tiếp xúc như cuộc họp ngoại trưởng Mỹ - ASEAN ngày 14/7 mang đến kỳ vọng lớn. Tổng thống Biden cũng đã hứa hẹn sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 2021 tại Brunei vào tháng 10 năm nay. Hơn hết, vaccine ngừa Covid-19 được cho sẽ là khởi đầu thuận lợi để chính quyền Washington thể hiện quyết tâm xích lại gần hơn với khu vực đang vật lộn chống lại làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng.