Năm 2015 so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã cao gấp trên 4 lần, bình quân 1 năm tăng tới 32,1% - cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời gian (gấp 2,2 lần và tăng 17,5%/năm).
Tính từ đầu năm đến 15/4 năm nay so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả cao gấp nhiều lần so với tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 57,3% so với tăng 7,7%). Về kim ngạch xuất khẩu rau quả, nếu những năm từ 1998 trở về trước đơn vị tính chỉ ở mức “chục triệu USD”; thì năm 2013, lần đầu tiên, mặt hàng này đạt kim ngạch 1,095 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng liên tục và tăng với tốc độ cao (năm 2013 tăng 32,1%, năm 2014 tăng 36%, năm 2015 tăng 23,7% và 3,5 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn nhiều các năm trước). Xuất khẩu rau quả đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, cả về sản xuất, xuất khẩu. Về sản xuất, cây rau, quả đã tăng khá về diện tích gieo trồng. Riêng diện tích cây ăn quả lâu năm, nếu năm 1980 mới đạt 185,6 nghìn ha, thì năm 2015 ước đạt trên 800 nghìn ha). Sản lượng một số loại cây ăn quả cũng tăng với tốc độ cao hơn (nho 20,7 nghìn tấn, xoài 688,9 nghìn tấn, cam quýt 736,1 nghìn tấn, ,...). Diện tích rau, hoa cũng tăng nhanh, ở Lâm Đồng đã xuất hiện khu trồng hoa không đất, công nghệ cao. Về xuất khẩu rau quả, Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó năm 2015 đã có 16 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD; tháng 3 tháng đầu năm 2016 có 19 thị trường đạt trên 1 triệu USD. Lớn nhất là Trung Quốc (năm 2015 đạt 1195 triệu USD); 3 tháng 2016 đạt 384,1 triệu USD, chiếm tới 86,5%, khả năng cả năm sẽ vượt mốc 1500 triệu USD, vượt xa năm trước. Nhật Bản năm 2015 đạt 74,1 triệu USD, 3 tháng 2016 đạt 14,9 triệu USD. Hàn Quốc năm 2015 đạt 67 triệu USD, 3 tháng 2016 đạt 18,6 triệu USD. Thị trường Mỹ năm 2015 đạt 58,6 triệu USD, 3 tháng 2016 đạt 21,6 triệu USD, vượt lên đứng thứ 2 và khả năng cả năm sẽ vượt 86 triệu USD. Tuy đạt được những kết quả tích cực như trên, nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trước hết là kim ngạch xuất khẩu rau quả còn ở dưới tiềm năng và thế mạnh về đất đai, khí hậu, chủng loại rau quả của Việt Nam, với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như Chuối Ngự, Nhãn lồng, Vải thiều, xoài, nhiều loại bưởi, cam, thanh long... Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khá, nhưng kim ngạch nhập khẩu rau quả cũng ở mức cao tính từ đầu năm đến 15/3 đạt 180,5 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Đó là chưa kể nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu... Thị trường xuất khẩu tuy tăng, nhưng vẫn còn tập trung chủ yếu vào một số thị trường, nhất là Trung Quốc. Để khắc phục hạn chế, ngành nông nghiệp và các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc bảo đảm vệ sinh ATTP để giữ uy tín, đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để ngăn cản nhập khẩu rau hoa quả không bảo đảm ATTP. Việc trồng cây ăn quả xuất khẩu cần được quy hoạch; cần phải tăng cường bảo quản và đặc biệt đẩy mạnh chế biến rau quả xuất khẩu để tăng giá trị tăng thêm, hạn chế thiệt hại.
Ảnh minh họa |