KTĐT - “Là thành viên WTO, đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua rào cản về tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài để có tư duy của một nước có vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và có vị thế đang tăng lên ở Châu Á và thế giới”.
Sao phải e sợ mở cửa thị trường?
Cuối năm 2008, các cơ quan truyền thông đại chúng đã đưa tin về những ý kiến trái chiều đối với việc mở cửa thị trường lĩnh vực phân phối bán lẻ từ đầu năm 2009, không ít người lo ngại những công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh và có kinh nghiệm sẽ chiếm lĩnh hoạt động phân phối hàng hóa, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng sự thực thì trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với suy thoái song không có hiện tượng doanh nghiệp bán lẻ “chết” hàng loạt như suy đoán.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, việc mở cửa thị trường phân phối hàng hóa là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, để thị trường Việt Nam tiến kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới, để người tiêu dùng Việt Nam được hưởng thụ nhiều hơn do mua được hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả hợp lý với nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại, đồng thời tạo thế cạnh tranh mới làm chuyển biến nhanh hơn bộ mặt thị trường trong nước.
Tuy nhiên, mở cửa thị trường bán lẻ cũng làm cho một số nhà phân phối mất đi lợi thế, thị phần bị giảm sút nếu không có biện pháp cải tiến dịch vụ để thu hút khách hàng, thậm chí có thể rơi vào tình trạng khó khăn và phá sản. “Điều này nên coi là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường, không nên quá lo lắng” - ông Mại trấn an.
Còn đối với các cửa hàng bán lẻ nhỏ thì sao? Với tính cách buôn bán và mua sắm của người Việt Nam thì các cửa hàng bán lẻ nhỏ ở các ngõ phố, phường xã vẫn sẽ tồn tại vì chúng gắn với nhu cầu mua bán không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn, do đó sẽ it chịu tác động.
Từ những phân tích nêu trên, ông Mại cho rằng, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ lộ trình mở của thị trường, hiểu rõ tác động của việc mở cửa để thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết, khi điều kiện cho phép thì cần đẩy nhanh hơn để nước ta tiến kịp trình độ phát triển của các nước khác trong khu vực.
Nên gạt đi tư tưởng bảo hộ
Sau 3 năm gia nhập WTO, hoạt động của bộ máy nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế trong nhận thức, nếu không kịp thời chuyển biến thì sẽ là một trở lực lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đó là một cảnh báo quan trọng được các chuyên gia kinh tế đưa ra mới đây.
Theo đó, rất nhiều cán bộ lãnh đạo TƯ, địa phương và doanh nghiệp coi thực hiện các cam kết quốc tế như là “nghĩa vụ” có tính chất ép buộc nên tìm cách trì hoàn, mà không thấy đó là xuất phát từ nhu cầu nội tại phát triển đất nước trong một thế giới toàn cầu hóa.
Xin nhắc lại rằng, kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và mở rộng quan hệ với nhiều nước, kể cả các cường quốc thế giới, hội nhập sâu với khu vực, tham gia AFTA… nước ta đã thu được những thành quả đầy ấn tượng. Chẳng hạn về kim ngạch xuất khẩu, từ hơn 2 tỷ USD năm 1991, tăng lên gần 63 tỷ USD năm 2008, tăng 31 lần trong vòng 18 năm. Vốn FDI thực hiện đến năm 1991 khoảng 1 tỷ USD thì đến năm 2008 là 56 tỷ USD, gấp 56 lần. Bộ mặt đất nước đã biến đổi về cơ bản, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, năm 2008 đã gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình (thấp) với GDP là 1080 USD/người/năm.
Rõ ràng những hành động cản trở việc thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là việc sửa đổi, bổ sung luật pháp và mở cửa thị trường vừa gây tác động tiêu cực đối với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, vừa gây phản ứng tiêu cực không đáng có, vừa làm giảm lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư quốc tế đối với nước ta - một nước đã được họ đánh giá cao qua công cuộc đổi mới.
Trở lực thứ hai là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang biến tướng dưới nhiều hình thức và phương tiện. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhân danh việc bảo vệ lợi ích các nhà sản xuất, phân phối, cung ứng dịch vụ đặt ra những rào cản về thể chế, kỹ thuật, đưa ra những điều kiện làm chậm quá trình mở cửa thị trường như đã cam kết trong các hiệp định đa phương và song phương.
Thực tế của thị trường nước ta trong hơn 20 năm đổi mới đã minh chứng hùng hồn rằng, trừ một số trường hợp đặc biệt cần cẩn trọng trong việc mở cửa thị trường, nhìn chung chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng độc quyền, không cạnh tranh, từ đó dẫn đến công nghệ lạc hậu, phương thức sản xuất kém hiệu quả, chất lượng và mẫu mã hàng hóa không đủ sức cạnh tranh. Người thiệt thòi cuối cùng chính là người tiêu dùng Việt Nam, phải mua hàng hóa, dịch vụ giá cao, phẩm chất kém, mẫu mã hàng hóa đơn điệu. Cạnh tranh, chống độc quyền đã làm cho hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng tốt hơn, mẫu mã, kiểu dáng đẹp hơn, có thể đứng vững trên những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.