Cũ xưa nay còn đâu? Nhưng đó là thực tế, tất yếu thôi. Vậy nhưng không ít người vẫn đăm đắm hoài niệm ngày xưa.
Giờ đau ốm, cảm sốt dăm viên thuốc là xong, chưa xong thì công việc thúc ép cũng phải đem thuốc theo người. Trước thì bận đến mấy cũng phải kiếm nồi nước lá xông. Những lá tre, lá bưởi, hương nhu, sả cùng tía tô lên hoa, kinh giới già… Xông xong, đem nước ấy đi tắm, tỉnh cả người. Ngày xưa, những thứ này đều đi kiếm xung quanh nhà, trẻ con theo người lớn cũng biết làm, lớn lên làm vợ, làm mẹ vẫn nhớ như in những loại lá dùng để đun nước xông này.
Mùa Đông, mùa sương lạnh này cũng là mùa bồ kết chín. Những cây bồ kết nơi góc vườn hoặc nơi bờ ao hiểm hóc chẳng mấy người ngó đến, chỉ đến mùa này mới được người ta ngửa mặt lên xem quả xanh chín thế nào, tìm cách hái xuống để nhà dùng và đem bán. Nồi nước bồ kết gội đầu chị em thường cho thêm hương nhu, vỏ bưởi và lá bưởi. Thứ tinh dầu tự nhiên này không chỉ làm đẹp, mướt tóc mà còn cho mùi thơm ấm áp, để nhớ, để thương. Duyên phận nhiều khi lại được buộc bằng thứ “lạt” kỳ diệu chẳng thấy hình hài mà lại ủ hương như thế.
Giờ làng lên phố, những chai dầu gội bắt mắt, thật sang bán khắp các siêu thị, cửa hàng và bán online, thì những lá thơm có còn? Cả làng Đại Yên phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) có còn nghề thuốc, người làng có còn đi bán lá xông, lá thơm nữa hay thôi?
Thật may mắn, những con đường mới mở nối thành phố với ngoại thành khiến việc chuyên chở hàng hóa vào thành phố đỡ vất vả hơn nhiều. Và cũng từ lâu, xe máy cũng trở thành phương tiện chính nên người ngoại thành, người những tỉnh lân cận đã “chở cả quê” về phố. Đương nhiên trong số ấy, người ta cũng không quên những bao lớn bao bé, những mớ, những bó lá thơm buộc sẵn. Và đúng là giờ chợ phố chẳng thiếu thứ gì, như mọi người vẫn nói.
Đầu tiên phải kể đến những xe máy thồ, xe đạp thồ, họ là người bán rong. Họ lướt qua những chợ lớn, hay đón những bà, những chị đi chợ sớm. Chẳng hẹn mà gặp, một người gọi, dăm ba người thấy là mua theo ngay. Đây không phải lá xông mà là bó lá thơm. Những lá bưởi, lá hương nhu, những mần trầu, kinh giới già, đôi cây sả già và dây buộc cũng là chính những lá sả. Mùa cuối Đông thì có thêm nắm mùi già trong đó.
Năm, bảy nghìn 1 bó lá thơm không đắt, về chịu khó đun đã thơm váng nhà, rồi tắm gội cũng cho cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm, nên ai cũng ưng.
Người đi chợ không có duyên gặp mua của cô xe máy bán rong ấy thì tìm kiếm ở mấy cô bán mẹt, bán xảo cùng rau củ quả từ quê chuyển lên. Lá thơm kiểu này không chuyên, kiểu vườn nhà, bờ rào, bờ giậu có gì nhặt nấy. Bó to lù những lá bưởi, lá lốt, hương nhu, cành tía tô, kinh giới già và rất nhiều lá sả. Có những bà lại mua nguyên một bó lá sả về gội đầu. Người lại mua nhiều về phơi khô cùng bồ kết. Người bán đắt rẻ thế nào cũng ưng, vì đây không hẳn là món hàng hóa, chỉ là kiếm thêm hoặc có người dặn thì đem ra bán cùng rau mà thôi. Khi mua, ai đó vo chút lá bưởi mà thơm om khiến mấy bà, mấy chị mua theo và phân trần: lười đun nước lá thơm này, nhưng thấy mùi lá bưởi thơm là lại phải sà vào mua về rủ ông lão gội đầu hói cùng.
Mọi người bán mua nghe thấy đều cười vang. Quả là mùi hương lá này mê thật. Có người còn bảo: “Thơm thế này, cho nên nhà chưng cất tinh dầu vỏ bưởi, vỏ cam hay hương hoa họ lãi là phải. Vài trăm nghìn lọ bé tí, đây mua có mấy nghìn mà thơm khắp từ chợ về nhà. Chưa kể tắm gội lá thơm lại khỏe người”.
Mùa Đông xứ Bắc, mùa Đông Hà Nội, ai cũng bảo thời tiết độc. Ở phố gió lùa khắp các nhà cao tầng, những luồng lá khô, cát bụi mù, một nắm mớ lá thơm nhiều khi cũng làm lòng người dịu lại, yên tâm hơn trong việc giữ sức khỏe. Thế nên nhiều người muốn mua lá thơm vẫn phải dậy sớm, chân rảo bước để kịp mua cho mình một đôi mớ lá, kẻo vãn chợ lại hết.
Đó là với những người nhà gần chợ nhỏ, chợ trong khu, chứ với những chợ lớn như Nghĩa Tân, Giảng Võ, Hòe Nhai… bao giờ lá thơm, lá xông cũng có một vị trí trong quầy. Người xa gần cần bó lá xông là có ngay và người ta thường mách nhau nên những địa chỉ này không mấy xa lạ với cánh chị em hoặc các bà các mẹ.
Cánh ngồi quầy này đương nhiên là cánh buôn rồi, nguồn ở đâu? Chắc chắn các chị đi chợ không thiếu ngày nào thì không phải là chân đi kiếm lá. Tìm hiểu ra mới biết, mọi chuyện đều có logic của nó. Các chị bán lá thơm này hoặc là có gốc người làng Đại Yên, hoặc là họ có quầy lấy buôn từ người gốc làng Đại Yên.
Đất Hà Nội quý như vàng, nhất lại là đất phường Ngọc Hà, từ lâu làng ấy đã lên phố, đất làng cũng chẳng còn để trồng cây thuốc, cây lá thơm. Lác đác chỉ còn vài chòm nhỏ ven đường, hay ven con mương. Cũng như người làng khác, nhanh nhẹn trước cơ chế thị trường, có nghề phải giữ nghề. Người làng đã ra ngoại thành trồng hoặc đứng ra là đầu mối thu mua các loại lá thuốc, lá thơm đem về thành phố bán. Còn cầu là còn cung, thói quen dùng lá thơm của người phố còn thì đương nhiên còn người đáp ứng.
Ngay giữa lòng thành phố, vẫn còn những bà, những chị ngồi bán lá thơm, khách hàng là những bà cụ tóc bạc phơ, mặc áo lụa, ai thấy cũng phải tấm tắc khen sự chung thủy của cả người bán lẫn người mua. Nó khiến một góc chợ hàng Bè, đầy đủ hơn, nó khiến cổ kim hiển hiện rõ nét hơn, gần gụi hơn thì phải.
Từ làng Đại Yên lên đây là mấy, chỉ tội giờ đường sá đông hơn.
Hanh hao, Một Chạp đã đến nơi, người ta bắt đầu đã đem mùi già về phố. Các bà lại chờ những bó mùi khô đen, nhiều quả ít hoa. Trong khi cánh chị em lại tìm những bó mùi được rửa rễ sạch tinh, hoa trắng lấm tấm còn tươi, lá xanh cũng chưa bị nát. Các bà cụ không chọn, mà đằng này lại đợi mấy chị trung niên, mấy cháu công sở mua về cắm chơi. Họ thường cắm khô, chơi vài ngày héo mới đem đun nước tắm gội. Từ lâu chơi mùi già đã là thú của người phố thị, Hà thành.
Bó mùi dăm ba chục nghìn, nhấc lên, bó buộc xong đã thơm một góc chợ, một quãng đường. Có lẽ, đây cũng là những tín hiệu đầu tiên của Tết. Một năm đã trôi qua, không ít người lại giật mình toan tính, không ít người nhìn về xa thẳm, nhắc mình buông bỏ, hài lòng với hiện tại. Và không ai bảo ai, nhưng trong lòng mỗi người hẳn là cùng nhen lên những hy vọng cho 1 năm mới, một cái Tết sum vầy đang cận kề.