Lạc quan về triển vọng kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi giảm 11 điểm trong quý IV/2011, chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam trong đầu năm 2012 đã tăng 4 điểm lên 56.

Điều này cho thấy, cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đã bớt đi mối lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng kinh tế năm nay. Kết quả này được rút ra từ cuộc khảo sát lần thứ 6 về Chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam hàng quý do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố ngày 1/2.

DN hài lòng hơn…

Trong lần khảo sát này, 38% DN đánh giá tình hình kinh doanh của họ là trung bình, giảm nhẹ so với tỷ lệ 45% trong lần khảo sát lần trước. Số đánh giá tốt hoặc xuất sắc về tình hình kinh doanh hiện tại chiếm 36%, tăng nhẹ so với tỉ lệ 32% của quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% DN hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại vào cùng thời gian này năm ngoái. Số DN có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại vẫn hầu như không đổi so với quý trước là 26%.

Theo Tiến sĩ Matthias Duehn, Giám đốc điều hành EuroCham, đã có những dấu hiệu lạc quan trong triển vọng kinh doanh của các công ty khi có 39% DN đánh giá tốt hoặc xuất sắc, tăng 12% so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái (72%). Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cho năm 2012, 38% DN cho biết có kế hoạch tăng đầu tư ít hoặc nhiều, trong khi 31% muốn duy trì mức đầu tư của họ và 24% có kế hoạch giảm đầu tư tại Việt Nam trong trung hạn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về mức doanh thu và số đơn hàng mong đợi về mặt trung hạn thì câu trả lời lại thể hiện những sự trái ngược về quan điểm. 47% hy vọng có sự gia tăng về doanh thu về mặt trung hạn. Con số này cũng tương tự như quý trước (45%). Số DN (27%) mong muốn số đơn hàng giữ nguyên ít hơn so với quý trước, tỷ lệ này trong quý trước là 34%. Tuy nhiên lượng phản hồi cho rằng doanh thu giảm cũng có xu hướng tăng lên 22%, đây là tỷ lệ cao nhất trong các quý vừa qua. Khi xem xét đến các kế hoạch tuyển dụng, 40% phản hồi mong muốn tuyển thêm nhân viên trong trung hạn. 39% mong muốn duy trì mức hiện tại và chỉ 14% tính đến việc giảm nhân viên tại Việt Nam. 

Vẫn e ngại lạm phát cao

Cuộc khảo sát cho thấy một tỷ lệ đáng kể DN (53%) cho rằng, lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh của họ và 36% bị một số tác động. Số còn lại đánh giá lạm phát thực sự đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Dự cảm về tình hình kinh tế vĩ mô, 65% DN cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam sẽ tiếp tục đi xuống. Trong khi 35% cho rằng tình hình sẽ ổn định và dần dần được cải thiện. Bên cạnh đó khá nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang tạo ra sự không chắc chắn trong các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư châu Âu có xu hướng tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN. Do đó, để duy trì sức hút đầu tư, Việt Nam cần tăng cường các nỗ lực duy trì sức cạnh tranh trong khu vực bằng cách giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, đẩy lùi tham nhũng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần