Lái “cỗ máy” phát hành đi đúng đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thể phủ nhận một thực tế buồn đang tồn tại nhiều năm nay là mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... rất ì ạch, thậm chí nằm "bất động". Nhiều người trong ngành nói rằng, mạng lưới ấy đang có nguy cơ tan rã.

Thị trường phát triển không đều

Không chỉ các nhà quản lý mà cả người trong nghề cũng đang mong muốn một sự đồng bộ, nhịp nhàng của hệ thống phát hành xuất bản phẩm trong nước để có thể "xuất khẩu" sản phẩm và hội nhập; song "cỗ máy" ấy dù đã được "chỉnh lái" vẫn chưa đi đúng đường. Thế nên, nhiều người hy vọng đề án Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Bộ TT&TT công bố sáng 19/3) sẽ khắc phục được những "lỗi nhịp" của cỗ máy phát hành. 

Ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam phân tích: "Hiện nay, thị trường xuất bản phẩm phân bố và phát triển không đều, tập trung chủ yếu ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hay các tỉnh lỵ, vùng nông thôn, nhất là các huyện biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa mạng lưới phát hành sách còn yếu, thậm chí có nơi không có hiệu sách. Như Trung tâm Phát hành sách Điện Biên, hiện mới có 2/10 huyện, thị, TP được cấp đất, nhưng chưa được đầu tư xây dựng".

Lựa chọn sách tại nhà sách Quyết Bình.	Ảnh: Phương Nhật
Lựa chọn sách tại nhà sách Quyết Bình. Ảnh: Phương Nhật

Chẳng nói đâu xa, ngay ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội, người dân muốn mua sách (trừ sách giáo khoa) phải ra tận trung tâm huyện cách xã chừng 20 cây số mới có cửa hàng nhỏ. Muốn được lựa chọn sách thoải mái thì phải lên thị xã Sơn Tây, cách xã hơn 30 cây số. Lý giải cho sự yếu kém này, các nhà quản lý cho rằng, đó là do các cơ quan, ban, ngành địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư thỏa đáng cho hoạt động phát hành xuất bản phẩm. Mặt khác, tình trạng tiền thuê nhà đất ngày càng cao, nên nhiều cửa hàng, trung tâm sách chuyển đổi sang kinh doanh những mặt hàng khác có lợi nhuận cao hơn.

Nhập siêu “nặng”

Trong khi thị trường trong nước phát triển không đồng đều, các doanh nghiệp phát hành sách có chức năng xuất nhập khẩu xuất bản phẩm lại mê mải duy trì hoạt động xuất khẩu sách, báo ra nước ngoài và tham gia các hội chợ sách quốc tế: Frankfurt - CHLB Đức, Mỹ, Trung Quốc... và nhập khẩu nhiều xuất bản phẩm có giá trị của nước ngoài để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2013, nước ta nhập gần 50 triệu bản sách; 7,6 triệu tờ báo, tạp chí; kim ngạch nhập khẩu khoảng 17,8 triệu USD. Trong khi xuất khẩu chỉ 371.000 bản sách; 6,4 triệu tờ báo, tạp chí; kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,7 triệu USD. Đáng lo hơn, một số xuất bản phẩm nhập khẩu có nội dung vi phạm Luật Xuất bản, không thể hiện đúng chủ quyền Việt Nam vẫn được mua về với số lượng lớn. Phải chăng nguyên nhân của tình trạng này là do sự yếu kém trong thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh vì hoạt động này chưa được cấp kinh phí?

Có lẽ vì thế trong Đề án Quy hoạch được duyệt đã đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng 3 lần so với năm 2013. Đích đến xa hơn là đến năm 2030, toàn bộ hệ thống phát hành xuất bản phẩm phân bố đều khắp; kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng 4,5 lần so với năm 2013. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành triển khai thực hiện 3 đề án trọng tâm gồm: "Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài", "Xây dựng và khôi phục mạng lưới phát hành sách cấp huyện tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" và tổ chức "Giải thưởng sách quốc gia".

 
Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã "nhắm" đến mục tiêu năm 2020 có 70% số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có ít nhất 1 trung tâm phát hành xuất bản phẩm hiện đại; mỗi quận, huyện có ít nhất 1 cơ sở phát hành xuất bản phẩm...