Theo đó, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục so với cùng kỳ của năm 2018.
Nhiều ngân hàng báo lãi
Ấn tượng nhất phải kể đến là Ngân hàng Vietcombank với mức lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019 đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ và hợp nhất ước tính đạt 11.045 tỷ và 11.300 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4.306 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm. Với Ngân hàng HDBank, mới đây đã hé lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm dự kiến vượt 2.200 tỷ đồng, các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 20%.
Ngân hàng Vietcombank có mức lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019 đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hùng |
Ngoài một số ngân hàng như Vietcombank, MB hay HDBank thuộc top lãi cao trong toàn ngành, từ 2.000 tỷ đồng trở lên, các kết quả lợi nhuận còn lại của những ngân hàng khác đều đang thuận lợi hoặc vượt mục tiêu nửa năm theo kế hoạch.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 1.820 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019.
Sự tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn đang trên đà phát triển mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị kéo giảm và tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang bị siết lại.
Room cạn, áp lực tăng vốn
Cho dù lợi nhuận của các ngân hàng tăng cao nhưng khả năng giảm lãi suất cho người dân, DN vẫn khó. Nhiều ngân hàng hoàn thành nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực và kiểm soát tốt nợ xấu trong 6 tháng đầu năm. Thậm chí, không ít ngân hàng đã sớm cạn room (hạn mức tăng trưởng tín dụng) được cấp và đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nới thêm.
Có mức tăng trưởng tín dụng tới 18% trên hạn mức 20%, lãnh đạo ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, nếu không được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, dư địa cho vay sẽ khó mở rộng trong 2 quý cuối năm nay. VIB tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cho vay bán lẻ (chiếm 78%) đã đạt tăng trưởng dư nợ tới 21%...
VIB kỳ vọng sẽ được NHNN nâng room tín dụng lên 35% như mục tiêu được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Hiện một số các tổ chức tín dụng trong nhóm 2 và 3 cũng đã có dư nợ cho vay tăng mạnh hoặc thậm chí hết room. Ví dụ Sacombank có hạn mức tín dụng chỉ 7%, đã sử dụng gần hết 6%.
Giới phân tích tài chính cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm và nhu cầu vốn thường tăng cao trong nửa cuối năm để cải thiện lợi nhuận, giảm chi phí, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động dịch vụ. Song hiện nay, dù mảng dịch vụ đang được các ngân hàng khai thác hiệu quả, thu từ dịch vụ vẫn còn chiếm con số khiêm tốn, đóng góp khoảng 15 - 30% vào tổng lợi nhuận.
“Các ngân hàng mới bắt đầu gia nhập công cuộc chuyển số thực thụ, trong khi mảng dịch vụ, thẻ… chỉ mới dừng lại ở số lượng chứ chưa đạt chất lượng hiệu quả” - TS Bùi Quang Tín nhận xét.
Theo thống kê của NHNN, tín dụng đã tăng trưởng 7,33% trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh "quota" tín dụng của toàn hệ thống năm nay chỉ ở mức 14%. Dù vậy, thông điệp được NHNN đưa ra là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng, nhất là đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu, để phù hợp với việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và nguồn lực cho trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu – đảm bảo hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Bản thân các ngân hàng sẽ phải ưu tiên tất toán trái phiếu VAMC và hướng đến thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hướng đến đạt chuẩn Basel II theo lộ trình. Hiện nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, khi chi phí đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng khó giảm.
Tăng trưởng tín dụng cao đã không còn là mục tiêu và chủ trương của Chính phủ, thay vào đó, NHNN kiên trì điều hành các giải pháp kiểm soát vốn tín dụng ra nền kinh tế ở mức phù hợp, tăng cường chất lượng tín dụng, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. TS Nguyễn Trí Hiếu |