Giá tăng chóng mặt
Ngay sau Tết Nguyên đán, ngày 17/2 (mùng 8 Tết), Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) quyết định tăng giá bán một số sản phẩm lên khoảng 7%. Chẳng hạn, sữa Dielac Alpha Step 1 loại 900g tăng giá bán từ 198.500đồng/hộp lên 225.500đồng/hộp, sữa bột Dielac Optimum 1 tăng từ 339.000đồng/hộp lên 355.900đồng/hộp, Dielac Optimum 2 hiện có giá 349.500đồng/hộp, tăng hơn 16.000đồng/hộp so với giá bán tuần trước.
Không chỉ Vinamilk tăng giá sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa khác cũng đồng loạt nâng giá bán thêm khoảng 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá sữa Frisolac Gold 1 loại 900g tăng từ 415.000đồng lên 430.700đồng/hộp, sữa Frisolac Gold 3 HT 1,5kg có giá 663.700đồng/hộp tăng hơn 30.000đồng/hộp… Dòng sữa bột Enfagrow A+ cũng có giá nhỉnh hơn từ 15.000 - 25.000đồng/hộp như: Enfagrow A+1 có giá 519.000đồng/hộp, sữa bột Enfagrow A+ 2 có giá 494.000đồng/hộp, sữa bột Enfagrow A+ 3 có giá 445.000 đồng/hộp… Ngày 2/1, hãng sữa Dumex cũng điều chỉnh giá một số dòng sản phẩm tăng từ 8,5 - 9%.
Đến ngày 14/1, nhà phân phối sữa Mead Johnson chính thức thông báo điều chỉnh giá tăng khoảng 10%. Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2012, nhãn hàng sữa XO của hãng Namyang (Hàn Quốc) đã được điều chỉnh giá tăng gần 10%, với giá bán lên 433.000 - 547.000đồng/hộp 800g.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Big C. Ảnh: Linh Anh
Doanh nghiệp tung chiêu mới
Nếu như những lần tăng giá trước, các DN thường lấy lý do "giá sữa nguyên liệu tăng", thì nay nguyên nhân khiến các DN phải tăng giá là bởi thay đổi thiết kế mẫu mã bao bì khiến giá thành tăng cao.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc các hãng sữa thay đổi bao bì để tăng giá sản phẩm là một chiêu "lách luật", bởi chỉ với một chút thay đổi ở tên gọi, hay nắp bình sữa là DN đã có lý do điều chỉnh giá mà không cần đăng ký lại với cơ quan chức năng.
Không chỉ có vậy, nhiều DN còn chọn cách đổi tên sản phẩm từ sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi thành "sản phẩm dinh dưỡng" (Enfalac A+ cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi hay Enfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), "sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt" (Pedia Sure dành cho trẻ từ 1 - 10 tuổi), "thức ăn công thức dinh dưỡng" (Lactogen Gold 2 dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi), "thực phẩm bổ sung" (Friso Gold cho trẻ từ 1 - 3 tuổi)… dù thành phần nguyên liệu không có gì khác so với sản phẩm "sữa bột". Với cách ghi tên gọi này, các doanh nghiệp đã lách được quy định mới tại Luật Giá, vì không đăng ký là sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi nên không phải kê khai mỗi lần điều chỉnh giá. Điều đó dẫn đến việc DN có thể tăng giá như với các mặt hàng thông thường.
Giới chuyên môn phân tích, sở dĩ các hãng sữa ngoại đua nhau tăng giá bán trong thời điểm này là do năm 2012, sức tiêu thụ mặt hàng này giảm đáng kể, doanh thu không đạt. Trong khi các chi phí khác không thể cắt giảm, nhất là chi phí quảng cáo, tiếp thị, nên việc tăng giá bán chỉ nhằm mục đích tăng doanh thu để bù đắp vào khoản thiếu hụt trên. Trường hợp doanh số bán hàng sắp tới vẫn không đạt thì đến giữa năm sẽ có thêm đợt tăng giá mới, thậm chí cuối năm tiếp tục đẩy giá lên tiếp.
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng "lách luật" để tăng giá của DN ngành sữa, hiện Cục đang tiếp tục theo dõi và sẽ nghiên cứu kỹ việc này để có những đề xuất lên Bộ Tài chính hướng xử lý phù hợp.