Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại “lỗi hẹn” phân loại nợ xấu theo chuẩn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quy định về phân loại nợ xấu theo chuẩn mới tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn thời điểm áp dụng đến đầu năm 2015 thay vì 1/6/2014. Nhiều chuyên gia lo ngại, việc tiếp tục "lỗi hẹn" này sẽ khiến nợ xấu thêm "tranh tối, tranh sáng".

Thêm thời gian để ngân hàng “dọn”nợ

Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được áp dụng vào 1/6/2014. Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư này là việc phân loại nợ xấu theo chuẩn mới sẽ được giãn thêm một thời gian nữa, đến đầu năm 2015.

Nếu chuẩn phân loại mới được áp dụng, nhiều khách hàng sẽ bị đẩy tới nhóm nợ xấu hơn và tụt hạng theo thang điểm xếp hạng tín dụng nội bộ. Cụ thể, dựa vào thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC), nếu khách hàng A có nợ xấu thuộc nhóm 5 ở một ngân hàng thì tất cả khoản vay còn lại ở các ngân hàng khác cũng phải chuyển nhóm lên nhóm 5, mặc dù các khoản vay còn lại này có thể đang là nợ nhóm 1, nợ nhóm 2. Do đó, doanh nghiệp, khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn vì bị xếp hạng kém. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu, cản trở cấp vốn cho nền kinh tế, chưa kể 2 tháng đầu năm theo thống kê của NHNN tăng trưởng tín dụng âm 1,66%.

 
Khách hàng giao dịch tại hội sở Viettinbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại hội sở Viettinbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Vì vậy, Thông tư 02 sẽ được sửa đổi với nội dung phân loại nợ xấu được giữ nguyên, hoãn chuyển nhóm nợ xấu. Từng ngân hàng sẽ đánh giá các khoản vay riêng biệt, nếu như khoản vay nào có phương án trả nợ khả thi thì vẫn được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Như vậy, các ngân hàng sẽ chưa phải trích lập dự phòng rủi ro mà doanh nghiệp vẫn có quyền tiếp cận vốn. Các quy định về phân loại nợ theo chuẩn mới sẽ lùi thực hiện vào năm 2015.

Ngoài hoãn phân loại nợ xấu, Thông tư 02 còn có thêm một số điều chỉnh khác là bổ sung quy định, trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý và khai thác tài sản Việt Nam (VAMC) phát hành để xử lý nợ xấu được trích lập dự phòng 20%/năm và quy định về xử lý nợ vi phạm. "Nếu tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ vi phạm theo quy định của pháp luật sẽ xử lý tùy theo đánh giá của Cơ quan thanh tra giám sát" - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ- NHNN Nguyễn Thị Hồng nói.

Nợ xấu “tranh tối, tranh sáng”

Việc hoãn chuyển nhóm nợ xấu, có thể giúp cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tránh được cú sốc. Thế nhưng, "lỗi hẹn" nội dung quan trọng này của Thông tư 02 cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Theo số liệu báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) đến 4,73%/tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 2013. Cũng theo cơ quan này, nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.

Tuy nhiên, báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014 của Moody's công bố giữa tháng 2/2014 lại đánh giá, tỷ lệ những tài sản chất lượng "có vấn đề" (nợ xấu) ít nhất phải 15% thay vì chỉ 4,7% nợ dưới chuẩn như NHNN Việt Nam công bố vào tháng 10/2013.

Điều này cho thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là một bức tranh khá u ám. "Việc sửa đổi, hoãn phân loại nợ cho thấy chặng đường giải quyết nợ xấu vẫn rất khó khăn"- Giáo sư Trần Ngọc Thơ - ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá.

Đánh giá cụ thể hơn, theo Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, bản chất của Thông tư 02 là phân loại nợ xấu theo chuẩn quốc tế. NHNN đã một lần lùi thời điểm áp dụng thông tư này (từ 1/6/2013 - 1/6/2014). "Đáng lẽ trong thời gian này các TCTD cũng như NHNN phải tự trang bị được cho mình một "thế" riêng. Nhưng, hiện, NHNN lại áp dụng Thông tư này theo kiểu "mềm mại". Điều này có thể dẫn đến sự nhờn thuốc" - ông Bùi Kiến Thành nói.