Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi lớn, ngân hàng vẫn khất cổ tức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực tăng vốn và tiếp tục quá trình tái cơ cấu khiến nhiều ngân hàng (NH) dù sở hữu hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối nhưng lại xin cổ đông không trả cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

 Hoạt động nghiệp vụ tại Maritime Bank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ngóng cổ tức tiền mặt

Nhiều cổ đông của NH Sacombank đã phản ứng khá mạnh tại đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 26/4 khi ngân hàng này lại thêm một năm nữa không chia cổ tức. Năm 2018, Sacombank thu về khoản lợi nhuận sau thuế lên 1.700 tỷ đồng, tăng 51,5% so với năm trước, nhưng Sacombank lại không chia cổ tức, do NH này phải xử lý khoản nợ xấu lớn kể từ khi “ôm” thêm SouthernBank. Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh, NH đã mạnh tay tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm gần 2 lần, lên 1.592 tỷ đồng năm 2018. Tổng số nợ xấu nội bảng Sacombank đến cuối năm 2018 đã giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, xuống còn 5.427 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 4,67% xuống còn 2,11%, song vẫn còn cao so với nhiều NH khác.

Tại Techcombank, dù lãi hơn 10.600 tỷ trong năm 2018, song theo Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh, Techcombank muốn giữ lại toàn bộ lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo các yêu cầu về vốn của NHNN như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, không ít NH muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu, dù được yêu cầu chia bằng tiền mặt. Tại ĐHCĐ VietinBank, lãnh đạo NH này cũng không giấu sự sốt ruột mong sớm được cho phép giữ lại phần lợi nhuận để tăng vốn. Còn lãnh đạo Vietcombank cho hay, NH dự kiến đề xuất việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, tăng vốn lên gần 52.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2019. Tuy nhiên, hiện Vietcombank cùng 3 NH Nhà nước khác đang phải chờ ý kiến từ Bộ Tài chính.

Linh hoạt trong cách chia cổ tức

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh NHNN yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn mực quốc tế Basel II, các NH đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn, kéo hệ số an toàn tăng lên. Đặc biệt khi Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chính thức được ban hành, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ còn tiếp diễn.

Theo Thông tư 08/2016 của NHNN: “Tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc gia hạn trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt này được thanh toán”. Chia sẻ với báo giới, một lãnh đạo NHNN cho biết, nếu nợ xấu trên 5 năm đã bán cho VAMC mà trích lập dự phòng đầy đủ thì được dùng lợi nhuận để tăng vốn nhưng chia bằng cổ phiếu. Nếu nợ xấu bán cho VAMC dưới 5 năm và chưa trích lập đầy đủ thì không ngân hàng nào được chia cổ tức, tránh rơi vào cảnh lãi ảo, lỗ thực.

TS Đỗ Hoài Linh - chuyên gia tài chính NH nhìn nhận, không ít cổ đông không bằng lòng với câu chuyện này, tuy nhiên, với nhà đầu tư chiến lược, việc không chia cổ tức không làm mất đi tính hấp dẫn vì khối này luôn mong muốn NH phát triển dài hạn. Còn theo lời của một số lãnh đạo NH thì giữ lại cổ tức hay trả bằng cổ phiếu cũng là để tăng tổng tài sản, tăng quy mô hoạt động, có lợi cho NH và cổ đông.

Liên quan đến việc chia cổ tức của các NH có vốn Nhà nước, một số chuyên gia kinh tế đề xuất, Chính phủ nên cân đối nguồn thu ngân sách từ cổ tức NH theo hướng linh hoạt chia cổ tức bằng tiền mặt lẫn cổ phiếu. Bởi lẽ, nếu Chính phủ yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt thì các NH phải chọn giải pháp tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.