Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnhBáo cáo tài chính quý III và 9 tháng năm 2018 của Ngân hàng Quân đội (MB) cho thấy, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của MB đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chất lượng nợ là vấn đề đáng lưu ý khi nợ dưới tiêu chuẩn tăng 6% lên mức 781 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng vọt từ con số 663 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.118,3 tỷ đồng (tăng hơn 68%), nợ có khả năng mất vốn tăng từ hơn 813 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng (62%).
Những thay đổi quan trọng nhất của IFRS 9 với các ngân hàng Việt Nam là khả năng tăng trích lập dự phòng tổn thất tín dụng được ước tính bằng giá trị tổn thất trong tương lai. Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á Đinh Hồng Hạnh |
Tại Ngân hàng Sacombank, chi phí dự phòng rủi ro tăng 525 tỷ đồng lên mức lên mức hơn 664 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so cùng kỳ kéo lợi nhuận quý III của ngân hàng giảm gần một nửa. Dù nỗ lực đưa nợ xấu xuống còn 3,23% nhưng chặng đường dài tái cơ cấu, phấn đấu đưa “cục máu đông” này về dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với Sacombank vẫn còn không ít gian nan.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vietcombank đạt mức 11.683 tỷ đồng nhưng nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng đã tăng lên 4.578 tỷ đồng, tăng gần 136% so với cuối 2017 (1.940 tỷ đồng). Ngân hàng Á Châu (ACB) nợ có khả năng mất vốn cũng lên tới 1.264 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với đầu năm.
Đường dài gian nanTheo một chuyên gia kinh tế, thời gian tới, việc một số ngân hàng tiến đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế mới nhất - IFRS 9 và các quy chuẩn tài chính theo Hiệp ước vốn Basel II cũng sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Theo đó, các quy chuẩn quốc tế này đặt ra các chuẩn mực đánh giá khắt khe hơn về nợ quá hạn cũng như trích lập dự phòng rủi ro.
Điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại. Một cuộc khảo sát gần đây của các ngân hàng Malaysia dựa trên kết quả báo cáo quý I tiết lộ rằng, trích lập dự phòng đã tăng từ 25 - 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9. Theo các chuyên gia, dù chưa bắt buộc tại Việt Nam nhưng các ngân hàng nên có kế hoạch chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS 9 để phù hợp với các thông lệ tốt nhất toàn cầu, củng cố hoạt động kinh doanh thông qua việc cải thiện phương thức báo cáo quản trị, quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, kế hoạch xử lý nợ xấu, trong đó, có xử lý tài sản đảm bảo dù được các ngân hàng rốt ráo triển khai vẫn còn không ít thách thức. Đơn cử, ngân hàng tái cơ cấu Sacombank đang ráo riết thanh lý hàng loạt tài sản bảo đảm với các bất động sản giá trị “khủng” như: Dự án Khu công nghiệp Phong Phú - TP Hồ Chí Minh; Dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B; Dự án khu dân cư phường Bình Thủy - Cần Thơ…
Thời gian qua, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách đã phát huy tác dụng trong đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, việc phát mãi tài sản đảm bảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường mua bán nợ chưa phát triển.