Lại nóng chuyện thuế cổ tức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, một số công ty chứng khoán đã có thông báo tới các nhà đầu tư (NĐT) về việc nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng. Thông tin này làm nóng lại câu chuyện bất cập thuế cổ tức, đã được các thành viên thị trường nhiều lần nêu lên.

Thuế chồng thuế
Hiện nay khi giao dịch chứng khoán, NĐT phải chịu các loại thuế phí như: Phí giao dịch (hay còn gọi là phí môi giới chứng khoán - thông thường được các công ty chứng khoán thu khoảng từ 0,15 - 0,35%); phí lưu ký chứng khoán; thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán – 0,1% giá trị bán; thuế cổ tức tiền mặt – 5% giá trị cổ tức tiền mặt thực nhận và các loại phí, thuế khác (không thường xuyên)

Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, khi NĐT bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ ngay 5% thuế TNCN.
 Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Từ trước tới nay việc thu thuế từ đầu tư chứng khoán được đại đa số NĐT mặc định đã được tính bằng 0,1% giá trị chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Đồng thời tại ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức/thưởng bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh giá tương ứng. Căn cứ theo luật hiện hành, đối với cổ tức bằng cổ phiếu, NĐT bị đánh thuế 2 lần. Trong trường hợp thị giá cổ phiếu không tăng, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến NĐT chỉ thấy lỗ chứ không có lợi.

Đơn cử như, sau nhận chia “cổ tức bằng cổ phiếu” 10%, giả sử giá cổ phiếu A giảm 20%, NĐT bán cắt lỗ chặn nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN bằng 5% của 10% “cổ phiếu bằng cổ tức” trong khi thu nhập thực tế âm gần 10%.

Các NĐT bức xúc phản ánh, việc trả cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu về bản chất là khác với trả cổ tức bằng tiền mặt (NĐT có thu nhập). Thông thường, cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị khấu trừ luôn tại nguồn (tức DN chi trả). Cổ tức bằng cổ phiếu, được coi là thu nhập của NĐT nhưng trong nhiều trường hợp NĐT không được hưởng gì, thậm chí có thể gần như bị mất trắng.

Trong chuyện nhận cổ tức bằng cổ phiếu, NĐT còn bị bất lợi hơn khi giá trị khoản nhận này cũng bị trừ luôn vào thị giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền, nhưng giá bán số cổ phiếu nhận thêm đó có thể sẽ thấp hơn mệnh giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) thường biến động. Trong trường hợp thị giá rơi, NĐT nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ chịu thiệt kép. Hiện nay, TTCK Việt Nam có trên 40% số mã có thị giá dưới mệnh giá.

Quan ngại về việc thu thuế

Nhà nước thu thuế cổ tức tính trên khoản cổ tức tiền mặt vốn đã là chuyện gây nhiều tranh cãi vì tính thiếu thuyết phục của chính sách. Nay câu chuyện thu thuế cổ tức trên cả khoản nhận bằng cổ phiếu được nêu lên, khiến bất cập như chồng lên bất cập. “Bán cổ phiếu chịu thuế 0,1%, hưởng cổ tức bằng cổ phiếu tiếp tục phải nộp thuế thêm 5%. Thuế chồng thuế, cùng hàng chục loại phí từ chuyển nhượng, phí quản lý, phí lưu ký... đang khiến nhiều NĐT thời Covid-19 kiệt quệ, ngán ngẩm” - một NĐT chia sẻ.

Các công ty chứng khoán đang lo sốt vó khi quy định mới về thu thuế với cổ tức trả bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng sắp có hiệu lực. Các quy định hiện nay không cho công ty chứng khoán quyền yêu cầu tổ chức phát hành chứng khoán hay NĐT cung cấp thông tin để xác định loại cổ phiếu. Vì thế, công ty chứng khoán không có cơ sở để kê khai và nộp thuế đầu tư vốn đối với cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức.

Theo một chuyên gia chứng khoán, chính sách thuế cổ tức tạo ra sự không công bằng trong lợi ích của NĐT và không khuyến khích họ giữ lại cổ phiếu để đi bền với DN, khi phương án bán trước ngày giao dịch không hưởng quyền giúp NĐT có lợi hơn. Chính sách này còn khuyến khích NĐT bán cổ phiếu trước khi nhận cổ tức, để khoản thuế đóng thấp hơn và nhận được nhiều lợi ích hơn. Thậm chí gây ra tâm lý bài xích cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu, ảnh hưởng đến quá trình tăng vốn của DN.

Có thể thấy, đối với những NĐT vẫn tiếp tục tham gia thị trường hiện nay, việc đánh thêm thuế thu nhập lên cổ phiếu từ cổ tức đang là vấn đề gây “ấm ức”, đi ngược lại những nỗ lực khuyến khích ngày càng nhiều NĐT tham gia thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

"Khi chuyển nhượng chứng khoán, NĐT đã bị đánh thuế một lần, khi nhận cổ tức lại phải nộp thuế thêm một lần nữa, chẳng khác nào NĐT phải chịu thuế hai lần cho hoạt động đầu tư chứng khoán. Cơ quan chức năng cần có cơ chế thu thuế TNCN trên cổ tức/thưởng bằng cổ phiếu linh hoạt hơn, phù hợp hơn để hỗ trợ TTCK phát triển bền vững. " - Chuyên gia chứng khoán Huy Nam