Đó là vì cho đến lúc này, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền thống nhất nguyên tắc cùng mua bản quyền hoặc cùng không mua bản quyền Premier League. Các nhà đài ràng buộc phải cùng đoàn kết theo chỉ thị của Bộ Thông tin - Truyền thông để không bị đối tác nước ngoài ép giá, gây thất thoát ngoại tệ. Hiệp hội Truyền hình trả tiền sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của người hâm mộ trên cả phương diện được đáp ứng nhu cầu tinh thần cũng như quyền lợi kinh tế. Dự kiến, đầu tháng 3 tới, đại diện các đài mới có thể ngồi lại cùng nhau.
Thế nhưng, để sở hữu toàn bộ bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ VN 3 mùa 2013 - 2016, trong đó có gói độc quyền ngày chủ nhật, Canal Plus - đối tác trong liên danh với VSTV (thương hiệu K+) đã bỏ ra 40 triệu USD. Toàn bộ bản quyền phát sóng mua được sẽ được Canal Plus giao lại cho K+ sử dụng theo dạng góp vốn.
Đây là cái giá cao hơn cả mức giá mà IMG kỳ vọng thu được từ các đài truyền hình VN khi rao bán hồi cuối năm ngoái. Điều lạ tuy là một bên trong liên doanh VSTV (chiếm 51% tỉ lệ góp vốn), nhưng VTV lại cho hay hoàn toàn không biết gì về chuyện Canal Plus đã mua bản quyền giải EPL ở VN.
Trong trao đổi với báo chí, lãnh đạo VTV khẳng định, việc IMG làm việc thẳng với Canal không thông qua VTV dù trên thực tế, Canal đang là đối tác của VTV và IMG hoàn toàn có quyền làm điều ấy vì công ty này chỉ tính đến yếu tố kinh doanh. Mặc dù vậy người ta không tin rằng VTV chiếm 51% cổ phần trong K+ ( Canal Plus chỉ chiếm 49%) mà lại có chuyện qua mặt nhau được. Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn cũng khẳng định: “K+ là đơn vị trực thuộc VTV với 51% cổ phần của VTV nên tôi cho rằng VTV không thể không biết nếu K+ có bản quyền. Hơn nữa, với tư cách một đơn vị thành viên, K+ cũng sẽ phải báo cáo VTV”.
Chiểu theo Luật báo chí, VTV là người quyết định về mặt nội dung kênh K+ nên VTV có quyền đưa hay không đưa chương trình đó lên sóng của K+. Do vậy kiểu gì thì kiểu, VTV không thể trốn tránh trách nhiệm của mình tại K+ . Liệu VTV không cho phát EPL trên K+? Chắc chắn là không. Và không thể không nghĩ đến cái kiếu "doanh nghiệp sân sau" của các doanh nghiệp để chuyển những hợp đồng béo bở về sân sau, và chỉ có các lãnh đạo của "doanh nghiệp chính" được hưởng lợi mà thôi. Đây chính là mấu chốt đẩy giá bản quyền lên trên... giời. Và vì là liên doanh giữa Việt Nam và nuớc ngoài nên bài học vẫn còn mới. Cocacola, Unilever ... đã thâu tóm liên doanh bằng cách này. Liên tục làm cho liên doanh lỗ vốn bằng cách xử lý đầu vào giá trên giời, quảng cáo vô tội vạ lấy tên tuổi để thâu tóm thị trường. Đến khi có thị trường ổn định thì cũng là lúc đối tác Việt Nam không theo được việc kinh doanh lỗ hàng chục triệu USD mỗi năm nên sẽ bán nốt cổ phần còn lại với giá rẻ mạt cho đối tác nước ngoài. VTV có lâm vào tình trạng liên doanh với công ty nước ngoài như Coca Cola - Chương Dương, hay chuyển giá như PEPSI không?
Có thể thấy rằng đối tác Pháp không bao giờ bỏ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng cho gói bản quyền EPL rồi cho không đối tác. Việc họ mua bản quyền chắc chắn phải được bàn bạc kỹ lưỡng vì họ phải thu hồi vốn thông qua VSTV. VSTV sẽ là pháp nhân phải hạch toán khoản chi phí này, còn ai đứng ra mua cũng chỉ là hình thức và cuối cùng người dân Việt Nam vẫn phải trả khoản chi phí ngoại tệ ấy. Trên thực tế, khi K+ lại độc quyền hai gói hấp dẫn nhất của EPL là các trận đấu ngày chủ nhật và gói giờ vàng ngày thứ bảy, thì chắc chắn giá thuê bao lại tăng. Đơn giản bởi gói thầu mới giá cao gấp nhiều lần gói cũ thì cước hằng tháng phải đóng sẽ tăng vọt.
Được biết, sau thời gian đầu tư phát triển gần 4 năm qua, K+ không những chưa thu hồi vốn mà còn lỗ nặng với con số lên đến vài trăm tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí bản quyền khi mà mục tiêu phát triển thuê bao không như kỳ vọng. Trong 3 năm qua (giai đoạn 2010-2013), dù K+ độc quyền EPL ngày chủ nhật nhưng con số thuê bao của họ vẫn rất hạn chế với đối tượng chính là các… quán cafe-bóng đá, chứ không phải các hộ gia đình
Phía trước, làn sóng phản ứng sẽ còn dữ dội khi các nhà đài tiếp tục “đá nhau”, chấp nhận để đối tác nước ngoài hưởng lợi, còn người hâm mộ trong nước lại phải oằn lưng gánh phí thuê bao tăng vọt. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, bản thân K+ nếu ngấm ngầm mua hoặc có ý định sở hữu độc quyền EPL thì dù không có chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng họ cũng sẽ bị mất tín nhiệm. Sự mất tín nhiệm ấy đến từ cơ quan chủ quản là VTV, các đài bạn cũng như dư luận sẽ là một sự trừng phạt rất lớn.
Còn đối với người hâm mộ lại như khi hãng truyền hình K+ độc quyền phát sóng hạng mục các trận đấu diễn ra vào ngày Chủ nhật giải ngoại hạng Anh rất nhiều khán giả Việt Nam đã “ đối phó” bằng cách “xem chùa” trên mạng. Chỉ cần cài đặt phần mềm Sopcast, trước mỗi trận đấu, bạn chỉ cần truy cập các trang mạng chuyên cung cấp các link trận đấu, lấy link và dán vào chương trình Sopcast, StreamTorrent, AceStream... là ung dung thưởng thức dẫu không phải là chính thống .