Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại “phát sốt” vì sữa tăng giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Bộ Tài chính đã có yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh sữa có biện pháp tiết...

Kinhtedothi - Mặc dù Bộ Tài chính đã có yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh sữa có biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhưng trái với mong đợi giá sữa sẽ giảm trong thời gian tới của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng, đại lý lại kinh doanh mặt hàng này thời gian qua lại rục rịch điều chỉnh… tăng giá bán. Thị trường trong nước tháng cuối năm tiếp tục nhận một đợt tăng giá sữa mới.

Bất chấp bình ổn, giá sữa vẫn tăng

 Kể từ cuối tuần qua, một số loại sữa Enfa của Mead Johnson đã tăng giá thêm 5 - 7% . Cụ thể sữa Enfa Grow 3A+ tăng 54.000 đồng từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g, sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus từ 192.000 đồng tăng lên 205.000 đồng/hộp 400g. Sữa EnfaMil A+  tăng 35.000 đồng đẩy giá bán lẻ lên 534.000 đồng/hộp… Nhiều đại lý cho biết họ nhận được thông báo tăng giá trước đó vài ngày, lý do tăng giá được các đầu mối giải thích là do giá sữa thế giới tăng từ trước đó nên thời điểm này buộc phải áp dụng tăng.

 
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa tại siêu thị Big C.  Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa tại siêu thị Big C. Ảnh: Thanh Hải
Một trong những hãng sữa chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam khác là Abbott dù chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào cho khách hàng nhưng cũng đã đánh tiếng về việc tăng giá sản phẩm. Nhân viên một cửa hàng kinh doanh sữa ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết, cuối tháng 11, cửa hàng nhận được thông báo của Abbott: Kể từ tháng 12/2013 tới, hãng này sẽ tăng giá 3% tất cả sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung…

Như vậy, bất chấp Thông tư 30/TT- BYT về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ 20/11, nhiều hãng sữa vẫn chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới vào dịp cuối năm. Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, Thông tư 30 chỉ chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của Nhà nước bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Còn thực chất để kiểm soát được triệt để và hiệu quả giá sữa, Nhà nước còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác... "Có muôn vàn lý do được các hãng sữa đưa ra để lý giải cho việc tăng giá bán như giá nguyên liệu, tỷ lệ thành phần dưỡng chất bổ sung nhiều hơn, thay đổi mẫu mã mới, thậm chí là chi phí vận chuyển… đủ để trở thành lý do chính đáng đứng ra gánh "trách nhiệm" trong chuyện tăng giá" - ông Long chỉ ra.

“Thuốc” chưa ngấm?

Trên thực tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15 - 20% mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các DN sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí một tháng tăng hai lần mà vẫn không sai luật!

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi đã đưa các loại sữa vào danh mục bình ổn, Cục Quản lý giá phải kiểm tra rõ chi phí đầu vào, xem hóa đơn chứng từ, so sánh giá các nước..., khắc phục hiện tượng DN khai báo chi phí một chiều, không được kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo. Chuyên gia này cũng chỉ ra chính sách thuế đang tạo điều kiện cho DN lách được kẽ hở để bán hàng giá cao nhưng nộp thuế lại thấp. "Cần có chính sách thuế linh hoạt, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thu nhập DN. Giả dụ có chính sách khuyến khích nếu DN bán hàng với mức lãi thấp thì sẽ phải nộp thuế ở mức thấp, nếu đẩy lãi cao thì phải chịu mức thuế cao thì sẽ không còn nhiều DN bán hàng giá cao nữa" - ông Phong đề xuất.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua kiểm tra 8 DN sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lớn tại Việt Nam về thuế và giá năm 2012 và 9 tháng năm 2013, đoàn kiểm tra đã phạt, nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời đôn đốc thu nộp hơn 400 tỷ đồng tiền thuế còn nợ đọng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu giá sữa vẫn như "con ngựa bất kham" như vậy thì chỉ càng thúc đẩy khách hàng tìm đến với các sản phẩm sữa khác để thay thế nhu cầu sử dụng sữa bột. Cũng có chuyên gia tỏ ra lạc quan khi cho rằng nguồn cung tăng sẽ giúp giá sữa trong năm tới giảm. Tuy nhiên, điều này khó lòng xảy ra, vì thị trường Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi mà sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

 
Nhìn vào thị trường sữa với khoảng 200 nhà nhập khẩu, nhiều người nghĩ rằng có sự cạnh tranh về giá nhưng có thể có sự thỏa thuận, làm giá, phân khúc thị trường giữa các DN. Bởi vì, nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể ở mức cao như hiện nay.         

TS Nguyễn Minh Phong