Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất cơ bản: “Lạt mềm” buộc chặt…

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề nên hay không nên tồn tại khái niệm lãi suất cơ bản trong hệ thống luật có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Hiếm có điều luật nào được cân nhắc kỹ lưỡng và tranh luận sôi nổi, đa chiều như Điều 476 của Bộ luật Dân sự. Cũng là điều dễ hiểu, bởi vấn đề nên hay không nên tồn tại khái niệm lãi suất cơ bản trong hệ thống luật có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trong quan hệ tín dụng thường ngày, đặc biệt là vai trò điều chỉnh hành vi trên thị trường “tín dụng đen”.

Tuy trái chiều nhưng đều có lý

Sau lần chỉnh lý tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 (đầu năm 2015), tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, vấn đề quy định lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo và đã nhận được không ít ý kiến trái chiều, tuy nhiên ngẫm ra, chiều nào cũng có lý!

Những ý kiến trái chiều đã nóng lên kể từ kỳ họp trước. Khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ: Theo tôi nên có lãi suất cơ bản để có thể định ra một khung, một khuôn khổ pháp lý, khi điều chỉnh những chính sách liên quan đến vấn đề lãi suất, tránh xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng để trốn thuế.
Nhiều người điêu đứng vì lãi suất "cắt cổ" trên thị trường tín dụng "đen". (Ảnh minh họa: Internet).
Nhiều người điêu đứng vì lãi suất "cắt cổ" trên thị trường tín dụng "đen". (Ảnh minh họa: Internet).
Cùng chung quan điểm, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào lại yêu cầu, phải có lãi suất cơ bản để Tòa án có cơ sở giải quyết những vụ việc tranh chấp liên quan đến tín dụng. Ông Tống Anh Hào phân tích: Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện Tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476…

Trái ngược với 2 ý kiến trên, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng: Thực tế không có lãi suất cơ bản, ngay cả các nước phát triển cũng không quy định vấn đề này... Về mặt từ ngữ, chúng ta nên xem xét lại. Ngay cả trong thực tế hiện nay, chúng ta cũng không có lãi suất cơ bản”.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản trong cơ chế thị trường quả là rất khó. Ông nói: “Nếu vay 1 tỷ để mua một lô hàng về bán được 3 tỷ, thì lãi suất cao bao nhiêu cũng vay. Tội cho vay nặng lãi chỉ nên đánh vào những đối tượng hoạt động xã hội đen, tín dụng đen có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nên đánh vào những giao dịch vay mượn bình thường”.

“Lãi suất là cái giá phải trả cho sử dụng vốn. Sử dụng vốn lại phụ thuộc vào ba yếu tố, trong đó có yếu tố rủi ro, cho nên quy định của luật không thể nào chế định được các yếu tố đó. Pháp luật chỉ nên xử lý trong trường hợp cho vay nặng lãi có yếu tố cưỡng bức về tinh thần”, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hộitrong kỳ họp này.

Phương án 1: Quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.

Phương án 2: Giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Đâu mới là phương án tối ưu?

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đã khẳng định rõ chủ trương là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ai cũng hiểu rằng, muốn được như vậy tất yếu phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường. Ví dụ như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung-cầu… Vậy trong hai phương án nêu trên, phương án nào có nhiều yếu tố “tôn trọng” các quy luật ấy hơn cả?

Với phương án 1, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, phương án này có mặt tích cực là không phải sử dụng lãi suất cơ bản nhưng có tình huống lạm phát vượt quá mức cho phép thì người cho vay sẽ bị thiệt. Ví dụ, CPI của 2011 lên tới 18,75% , thì lãi suất thực tế sẽ phải đạt 21% mới dương. Vì thế, đề nghị để quy định của luật có tính lâu dài thì chúng ta nên quy định mức tối đa là 30%. Và nếu vượt mức 30% này thì sẽ khép vào tội cho vay nặng lãi.

Về phương án 2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho hay: Vì Luật Ngân hàng nhà nước vẫn quy định có lãi suất cơ bản và khi nào thấy cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước công bố. Mặt khác, các bộ luật dân sự trước và hiện hành vẫn lấy lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu. Còn việc nâng mức quy định từ 150% lên 200% là do trượt giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, phương án 1 “cứng” hơn, phương án 2 “mềm mại” hơn. Phương án 2 buộc phía Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất cơ bản. Nếu luật đề ra yêu cầu vẫn phải có lãi suất cơ bản thì thể hiện như phương án 2 là đúng với thực tế hơn. Tuy nhiên, nếu lạm phát như mức hiện nay thì quy định lãi suất cố định đến 30%  là quá rộng đối với “tín dụng đen”.

Xem ra một phương án “mềm mại” sẽ phù hợp với nền kinh tế thị trường hơn là một phương án “cứng”. Ở phương án 2, tuy “cứng” ở phần đầu, đó là “giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu” nhưng lại “mềm” ở phần sau: “Đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.

Như vậy, sau quá trình tranh cãi và thảo luận cho ý kiến, phần đa ý kiến ủng hộ ý kiến của Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào: Theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự hiện hành, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện Tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476…