Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất còn dư địa giảm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất ngân hàng hiện tại đã giảm về mức thấp nhất 20 năm trở lại đây. Giới quan sát cho rằng, dư địa cắt giảm lãi suất ngân hàng vẫn còn, tạo mặt bằng lãi suất thấp và ổn định.

Lãi suất tiền gửi tháng 1/2024 tiếp tục giảm

Trong đầu tháng 1/2024, lãi suất huy động mới nhất của Vietcombank giảm mạnh so với mức ghi nhận hồi đầu tháng 12/2023, dao động trong khoảng 1,9 - 4,8%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Theo đó, ngân hàng này đã giảm 0,5%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng so với cuối năm trước. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng là 1,9%/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng lãi suất 2,2%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng được hưởng mức lãi suất là 3,2%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ

Tại BIDV, biểu lãi suất huy động mới nhất của ngân hàng này đầu tháng 1/2024 đã điều chỉnh giảm 0,3 - 0,8%/năm tại nhiều kỳ hạn so với đầu tháng 12/2023.

OCB vừa giảm lãi suất huy động 0,4% đối với tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, giảm 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn 6-15 tháng, và giảm 0,3% tiền gửi kỳ hạn 18-21 tháng. Hay tại MB cũng điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, và giảm 0,3% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng.

Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã có gần 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động, gồm: BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, MB.

Thống kê của NHNN, đến cuối năm 2023, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng chỉ ở mức 3,9%/năm và lãi suất cho vay với các khoản vay mới chỉ ở mức bình quân 6,7%/năm, giảm trên 2,5 điểm % so với cuối năm 2022. Mặc dù lãi suất huy động giảm thấp chưa từng có sóng dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. Chỉ tính trong chưa đầy 3 tháng cuối năm 2023, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng đã tăng 3,75%, tương đương mức tăng ròng gần 422.000 tỷ đồng. Bình quân cứ mỗi ngày trong quý IV/2023, người dân và doanh nghiệp mang thêm hơn 5.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng.

Còn “độ trễ” giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động

Mặc dù lãi suất cho vay và huy động đều đã về mức thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19, nhưng theo giới chuyên môn mức thấp kỷ lục này vẫn có thể bị phá vỡ. “Chúng tôi vẫn tin sẽ có 1 đợt hạ lãi suất trong vòng 4-5 tháng tới", - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital Lê Anh Tuấn nhận định.

Lãi suất và lạm phát luôn có sự tương quan nhất định. Với tốc độ phục hồi kinh tế phục hồi tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại, quan trọng là tăng trưởng. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, nhiều tổ chức kỳ vọng Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến với tần suất 6-7 lần trong năm 2024. Chỉ cần Fed có sự quay đầu về chính sách Việt Nam sẽ có đợt hạ lãi suất tiếp theo. Theo số liệu thống kê của Dragon Capital, trong 1 tháng qua có tới 156 ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Đây lần đầu số lượng ngân hàng trung ương giảm lãi suất nhiều hơn tăng lãi suất.

Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã có gần 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, đã có gần 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Học Viện Ngân hàng), trong bối cảnh hiện nay, xác suất tăng lãi suất trở lại khá thấp, bởi các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản, lạm phát được kiểm soát và Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu kinh tế yếu. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. “Bài toán đặt ra là việc đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay, không phải hạ thêm lãi suất huy động”- PGS.TS Phạm Mạnh Hùng bày tỏ .

Trong báo cáo vừa cập nhật, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là về thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 đối với một số ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay do có độ trễ, mới chỉ giảm khoảng 2% - 2,25% so với đầu năm. Theo đó, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4,85% - 5,35%. Dù vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1%.

Công ty Chứng khoán VCBS dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm 2024. Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn. Dù vậy ông Đào Minh Tú khẳng định, những khoản cho vay với lãi suất cao do các ngân hàng huy động với lãi suất cao trước đó sẽ không còn tồn tại trong năm 2024.

“Chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại cần nỗ lực cắt giảm chi phí để có thêm dự địa giảm lãi suất cho vay, nhưng nếu không giảm được nữa thì cũng không tính đến việc tăng lãi suất cho vay trong năm 2024” - ông Tú nhấn mạnh.