Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất dự báo sẽ giảm lần cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng

Theo Hương Nguyễn/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Sau con sóng tỉ giá nổi lên vừa qua, câu hỏi mà giới phân tích tập trung lúc này là liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục hạ lãi suất và mức hạ sẽ là bao nhiêu?

Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023. Ảnh: Trà My
Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023. Ảnh: Trà My

Lãi suất điều hành dự báo có thể giảm thêm

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt và giảm dần về mức mục tiêu, kinh tế Việt Nam cần được hỗ trợ tăng trưởng trở lại sau đại dịch, lãi suất cao khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp gia tăng, áp lực lạm phát từ bên ngoài đang suy giảm. Đây đều là các yếu tố có thể khiến Ngân hàng Nhà nước cân nhắc việc hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cần cân nhắc các yếu tố như: Diễn biến lạm phát thế giới còn nhiều bất ổn, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất, nguy cơ lạm phát trong nước quay trở lại nếu mở cửa nền kinh tế quá nhanh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC dự báo “Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023, nhưng đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại”.

Theo bà Yun Liu, tin tốt là lạm phát của Việt Nam vẫn duy trì ở mức vừa phải, tạo dư địa triển khai thêm các hỗ trợ tiền tệ. Tháng 7.2023, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5%.

Các chuyên gia phân tích của Investing dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm (sau khi cắt giảm -125 điểm cơ bản so với đầu năm).

TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế dự báo: “Nhiều khả năng cuối năm nay Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp”.

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mong muốn hạ mặt bằng chi phí cho vay, hỗ trợ tăng trưởng.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết: “Nếu có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí”.

Hạ lãi suất vẫn dè chừng tỉ giá

Dưới góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, một trong những nguyên nhân thấy lãi suất cho vay vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỉ giá.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), áp lực tỉ giá sẽ sớm hạ nhiệt và nhiều khả năng kết thúc năm 2023, VND chỉ mất giá trong khoảng 2 - 2,5%, vì hoạt động nhập khẩu gia tăng chủ yếu đến từ nhóm hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp.

Các yếu tố tích cực giúp giới đầu tư tin rằng tỉ giá sẽ không căng thẳng như trước là do dự trữ ngoại hối của Việt Nam thời gian qua khá ổn định. Thêm vào đó, dòng tiền ngoại hối, xuất siêu tích cực là nguồn lực hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành và ổn định tỉ giá. Đồng thời, lượng cung tiền VND đang dồi dào ở thị trường 2.

Việc khả năng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất trong năm 2023 vẫn còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Đồng thời, việc hạ lãi suất cũng sẽ tác động mạnh đến tỉ giá VND/USD. Lãi suất thấp hơn có thể khiến dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam chậm lại, gây áp lực lên tỉ giá.