Chuẩn bị cho kỳ tăng trưởng mới?
Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường gặp khó khăn, thanh khoản giảm sút, nhiều cổ phiếu mua về chỉ sau hai ngày đã phải cắt lỗ. Tuy nhiên, sau khi Fed có động thái hạ lãi suất tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước đã có phản ứng tích cực. Trong đó, VN-Index tăng trên 20 điểm, thanh khoản tăng 30%.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS Nguyễn Việt Đức cho rằng, đây là giai đoạn phù hợp cho nhà đầu tư mua cổ phiếu chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng sắp tới.
Thực tế, phản ứng của nhà đầu tư thường chậm hơn so với lộ trình giảm lãi suất. Mặc dù chúng ta biết lãi suất sẽ giảm, nhưng không nhiều người nghĩ rằng sẽ có đợt giảm tới 200 điểm cơ bản nữa. Hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp thường phản ánh chậm hơn so với lãi suất. Khi lãi suất giảm, doanh nghiệp phải mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để hưởng lợi từ điều này.
Vì vậy, việc Fed hạ lãi suất sẽ cần từ 6 tháng đến 1 năm để tác động hoàn toàn lên thị trường chứng khoán. Do đó, thị trường có thể sẽ đi ngang từ bây giờ đến tháng 6 năm sau và chưa thể có xu hướng tăng mạnh ngay lúc này.
“Theo lịch sử, để thị trường có một xu hướng tăng mạnh, cần nhiều yếu tố kết hợp, không chỉ là việc Fed giảm lãi suất. Xu hướng tăng mạnh gần nhất vào năm 2015 có nhiều điểm tương đồng với tình hình hiện tại. Nếu năm 2015 là giai đoạn tích lũy để bứt phá vào năm 2016, thì năm 2024 có thể cũng là giai đoạn tích lũy để năm 2025 bứt phá, với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9/2025” - Giám đốc Kinh doanh Số của VPBankS nhận định.
4 nhóm ngành được khuyến nghị đầu tư
Theo các chuyên gia, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất khiến USD-Index suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Với những kỳ vọng trên, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm”- ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty CP chứng khoán VNDIRECT nhận định.
Trong bối cảnh này, đại diện Chứng khoán VNDIRECT khuyến cáo các nhà đầu tư nên ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Cùng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, Fed cắt giảm lãi suất sẽ tạo ra làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ tại nhiều khu vực và quốc gia trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã sớm nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất trước thời điểm FED chính thức giảm lãi suất USD.
Cùng với đó, việc Fed sẽ còn giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ tạo thêm không gian cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. “Tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân vay tiêu dùng, sản xuất, phát triển kinh doanh… trong thời gian tới” - ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.
Việc Fed giảm lãi suất sẽ kích thích nhiều yếu tố vĩ mô tích cực, tác động tốt đến dòng tiền trong nước và quốc tế. Thứ nhất, lãi suất thấp sẽ khuyến khích dòng tiền tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn gửi tiết kiệm, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản tại Việt Nam.
Thứ hai, tỷ giá VND/USD có khả năng giảm và ổn định hơn, đồng thời chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng thu hẹp. Điều này có thể dẫn đến việc dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và thậm chí quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán khi các doanh nghiệp niêm yết phục hồi và tăng trưởng lợi nhuận.
Ngoài ra, tỷ giá ổn định sẽ khuyến khích dòng tiền trong nước chuyển vào chứng khoán để tìm kiếm lợi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm. Tình trạng này cũng giúp giảm nguy cơ lạm phát, cho phép Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và nâng cao sức khỏe của nền kinh tế.