Lãi suất tăng nhẹ, tỷ giá tăng 1-1,5% và 2 kịch bản cho VN-Index

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng lạm phát, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Dự báo năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam sẽ vận hành theo hướng có điều chỉnh, lành mạnh hóa, quy định chặt chẽ hơn.

Cơ hội và thách thức

Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết, bất chấp những khó khăn, thách thức từ dịch Covid-19, thị trường tài chính Việt Nam vẫn duy trì khả năng phục hồi trong năm 2021 và 2022 nhờ nền tảng kinh tế vững chắc.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries phát biểu tại Hội thảo
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries phát biểu tại Hội thảo

Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ, với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Đến cuối năm 2021 quy mô thị trường tài chính tương đương khoảng 300% GDP. Trong đó, hệ thống ngân hàng giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 57,2%. Tỷ suất lợi nhuận ròng của các ngân hàng thương mại tăng hơn 39% trong năm 2021 so với năm 2020. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 tăng 48% so với năm 2020. Thị trường bảo hiểm cũng tăng trưởng 19%  so với mức tăng trưởng 14% của năm 2020.

“Tuy nhiên, rủi ro đang xuất hiện trên thị trường tài chính. Các khoản nợ xấu dự kiến tăng nhanh sau khi một số chính sách điều tiết hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Các vụ gian lận gần đây trên thị trường trái phiếu DN cho thấy những khiếm khuyết trong quản trị DN và lỗ hổng pháp lý” - ông Andrew Jeffries cảnh báo.

Bước sang năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chiến sự Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022 với nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và ngược lại. JP Morgan Chase & Co. (Mỹ) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm khoảng 1 điểm % (ở mức 3 - 3,5%) và lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 1,5 điểm % (ở mức 6%).

Ở kịch bản tiêu cực hơn, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, kéo dài, các định chế quốc tế nhận định, giá dầu sẽ bị đẩy lên mức 150 - 185 USD/thùng, và đó sẽ trở thành nguyên nhân chính khiến tình trạng đình lạm (đình trệ kèm lạm phát cao) có thể xảy ra ở một số quốc gia. Các nước tính đến thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng.

Bên cạnh bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro chính như trên, năm 2022, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với 4 rủi ro, thách thức từ nội tại: Áp lực giá cả, lạm phát đang gia tăng; Hoạt động bán lẻ và dịch vụ phục hồi, song sức cầu vẫn còn yếu; Giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng; Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

Nhận định từ báo cáo cho thấy, bước sang năm 2022, TTCK toàn cầu biến động mạnh, trở lại đà giảm điểm trong khi khu vực ngân hàng và bảo hiểm toàn cầu tiếp tục phục hồi dù chậm hơn.

Cụ thể, năm 2021 và 2022, các ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, hoạt động tín dụng kém khả quan do nền kinh tế gặp khó khăn là những lý do chính khiến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng không đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ giảm chỉ còn 20 - 25% so với mức tăng 31,9% so của năm 2021. Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục đối mặt với một số thách thức khác như nợ xấu tăng, chi phí dự phòng rủi ro phải tăng... trong thời gian tới.

Lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,2 - 0,5 điểm % so với đầu năm, diễn ra mang tính chất cục bộ tại một số tổ chức tín dụng (TCTD) vì thanh khoản không còn quá dư thừa. Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay ổn định đã là một thành công.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất huy động (gồm cả lãi suất liên ngân hàng) sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, và xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm kiểm soát lạm phát.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến nền kinh tế, với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023, dự báo NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022. Tín dụng được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022; đặc biệt, vào quý II và IV, dự kiến ở mức 14 - 15% (tính cả các gói tín dụng từ chương trình phục hồi).

Hết quý I/2022, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,19% (hay đồng VND mất giá 0,19% so với USD). Tuy nhiên, áp lực tỷ giá tăng ngày càng rõ nét do FED đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và tại Mỹ tăng cao.

Dù vậy, theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, theo dõi thị trường ngoại hối qua 3 năm từ 2020 - 2022 cho thấy, giai đoạn tỷ giá biến động chủ yếu rơi vào quý I các năm. Nhưng từ quý II và quý III trở thì bình ổn dần. “Hiện nay tỷ giá chủ yếu biến động mạnh trên thị trường tự do, còn thị trường chính thức cơ bản ổn định. Và nếu có tăng trong năm 2022 thì chỉ khoảng 1 - 1,5%”- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh cho biết.

Với TTCK, bước sang năm 2022, các chỉ số lớn trong quý I đều giảm từ 3 - 9% so với đầu năm. TTCK có những thách thức không nhỏ như: Chiến sự Nga - Ukraine phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực đến giá cả, lạm phát, tâm lý nhà đầu tư; Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý tình trạng thao túng giá cổ phiếu trên TTCK của lãnh đạo Tập đoàn FLC, hủy 9 đợt phát hành trái phiếu DN gần đây của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, một số lãnh đạo cơ quan quản lý bị xem xét kỷ luật vì sai phạm trong việc quản lý thị trường... cho thấy thị trường đang điều chỉnh về giá trị thực sau thời gian tăng khá nóng và đây cũng là quá trình thanh lọc, được kỳ vọng về một thị trường minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2022: Kịch bản 1: Điểm số VN-Index 1.436 điểm; Kịch bản 2 là 1.614 điểm.

Với thị trường bảo hiểm, dự báo, cả năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18 - 20%, trong đó, bảo hiểm nhân thọ vẫn là động lực chính đóng góp vào sự tăng trưởng này. Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm dự báo tăng lên khi kinh tế phục hồi và tiến trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm còn chậm.

Xây dựng thể chế, hành lang pháp lý, lành mạnh thị trường tài chính

Trong bối cảnh đó, tại hội thảo các chuyên gia đồng tình với quan điểm của Báo cáo kiến nghị tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, chuyển đổi số, được quan tâm kiểm soát hơn là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

TS Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH; kiểm soát rủi ro phát sinh, rủi ro lạm phát và rủi ro tài khóa (do phải chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ, tín dụng tăng trong tầm kiểm soát); kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (đan xen giữa lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản)...

Đánh giá của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 đến hết năm 2023 và khả năng gia hạn Thông tư 14 của NHNN là khá cao (để tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn lực và khách hàng có thể tiếp cận được vốn trong điều kiện phục hồi), sẽ giúp các tỷ lệ nợ xấu này vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và TCTD. Tạo điều kiện để tăng vốn là nhu cầu hiện hữu của các TCTD nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2, và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) ở mức khá cao (14 - 15%).

Khi nền kinh tế phục hồi, DN quay trở lại sản xuất, cần tiếp tục củng cố năng lực tài chính của các TCTD, tỷ lệ trích lập dự phòng, xử lý các ngân hàng yếu kém… Khung khổ pháp lý cho hoạt động của hệ thống tài chính tiếp tục được chú trọng và hoàn thiện, gắn với chuyển đổi số sẽ tiếp tục hỗ trợ các TCTD kiểm soát chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu, đặc biệt nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng khung pháp lý mua bán nợ.

Sau 2 năm tăng trưởng khá nhanh, TTCK đang có những điều chỉnh, lành mạnh hóa cần thiết, đòi hỏi quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống. Trong năm 2022 công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK cũng sẽ được đẩy mạnh giúp thị trường hoạt động công khai, minh bạch và kỷ luật hơn; Lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Bảo vệ nhà đầu tư, tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường. Yêu cầu các DN cổ phần hóa nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán….