Lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn gặp khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như một "cơn gió lành" giúp "hạ hỏa" cho các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trước áp lực lãi suất quá cao.

Tuy nhiên, điều này chưa đủ để vực dậy các DN, bởi thực tế, khó khăn của họ hiện không chỉ nằm ở lãi suất…

Khó tiếp cận nguồn vốn “rẻ”

Dù lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (1 - 6 tháng) đã được điều chỉnh xuống mức 6%/năm từ ngày 18/3, nhưng các DN vẫn cho rằng, khó có chuyện lãi suất cho vay sẽ giảm theo trong ngắn hạn.

Theo thông báo từ nhiều NH, mức cho vay ra sẽ tỷ lệ thuận với lãi suất huy động đầu vào. So với mức lãi suất 14 - 15%/năm trước đây, lãi suất hiện đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, ngay cả với các NH thương mại Nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) thông thường cũng vẫn đang ở mức khá cao, từ 9 - 10,5%/năm. Lãi suất trung và dài hạn dao động ở mức 11,5 - 12,8%. Mức lãi suất các kỳ hạn ở các NH cổ phần thường cao hơn, phổ biến ở mức 12 - 13,5%. Cá biệt, một số NH vẫn áp mức lãi suất cho vay 15% với các khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Oceanbank Hà Nội.            Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Oceanbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) nhận định, lãi suất cho vay đã giảm nhưng chỉ áp dụng ở những khoản vay ngắn hạn, còn vay trung và dài hạn vẫn trên 10%/năm,
DN hiện vẫn rất khó khăn, trong đó hàng xuất khẩu phải chịu chi phí vận tải cao hơn nước ngoài tới 20%, dẫn đến kém cạnh tranh về giá so với hàng hóa các nước khác. Còn tại thị trường trong nước, sức mua từ năm ngoái đến nay đã giảm 20 - 30%. Do đó, DN rất cần được hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, trong đó các NH bên cạnh giảm lãi suất, cần mạnh dạn hơn trong việc giãn nợ, cho DN vay trên cơ sở năng lực và độ tín nhiệm với NH hơn là căn cứ vào tài sản thế chấp. Có như vậy, DN mới có thời gian để phục hồi SXKD và trả nợ được cho NH.

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội
như vậy chưa phải là thấp mà vẫn "ngất ngưởng" so với các nước khác (chỉ 5 - 6%/năm). Hơn nữa, quy định hạ trần lãi suất được các NH áp dụng ngay với lãi suất huy động, nhưng đối với lãi suất cho vay, DN chưa thể tiếp cận được ngay với lãi suất thấp. Những DN thực sự cần vốn vẫn đang rất khó tiếp cận dù nhiều NH đã "cởi mở" hơn trong điều kiện cho vay. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay giảm chỉ được áp dụng cho những hợp đồng mới, còn những hợp đồng xin giãn nợ thì vẫn áp dụng mức lãi suất cũ.

Thực tế, nhiều NH mở gói cho vay lãi suất 8 - 9% trong 6 hay 9 tháng đầu tiên, thậm chí có NH áp mức cho vay 7%, nhưng hết thời gian ưu đãi, lãi suất lại nhảy vọt lên hơn 10%. Nếu cộng lại, lãi suất không hề thấp. Nhưng khi khách hàng muốn trả tiền trước hạn, thì lại bị phạt với mức phí rất nặng.

Quan trọng là giải pháp cho thị trường

Một lĩnh vực sản xuất chính của Công ty CP Kim khí Thăng Long là linh kiện phụ tùng xe máy, nhưng thị trường tiêu dùng sản phẩm này ngày càng ảm đạm nên sản lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay suy giảm tới 10%. “Tình hình sản xuất kinh doanh trước mắt cũng chưa thấy khả quan, chủ yếu chỉ có những đơn hàng nhỏ lẻ, mà để triển khai thực hiện một nhóm sản phẩm cũng phải mất ít nhất 6 tháng. Do đó, dù lãi suất cho vay có giảm trong thời điểm này hoặc trong vài tháng tới thì DN cũng chưa có nhu cầu vay ngay" - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày 26/3. Với lý do đó, theo ông Hùng cũng như đại diện nhiều DN khác, trong bối cảnh hiện nay, dù các NH có nhiệt tình mời gọi vay vốn đầu tư thì đa số DN chỉ "đứng nhìn", còn những DN mạnh dạn đầu tư mở rộng SXKD được coi là dũng cảm. Mặc dù về lý thuyết, lãi suất càng thấp càng tốt, song thực tế giảm lãi suất huy động đầu vào như hiện nay không tạo sức mạnh nhiều cho DN.

"Lý do quan trọng nhất là sức mua trên thị trường vẫn thấp. Do đó, giải pháp chủ yếu hiện vẫn là phải kích cầu thị trường mới tác động đáng kể tới “sức khỏe” của DN, khi đó chính sách hạ lãi suất vay mới phát huy hiệu quả" - bà Trịnh Thị Ngân đánh giá.

Việc hạ lãi suất là một tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang dần bình ổn, sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho DN, tăng hiệu quả hoạt động và có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Hùng, điều DN cần nhất hiện nay không phải là giảm lãi suất mà là Nhà nước có những giải pháp tổng thể về kinh tế vĩ mô, giải quyết hàng tồn kho cho DN. Khi đó, trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng nữa, việc hạ lãi suất cho vay sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của DN.