Xuất hiện lãi suất trên 7%/năm
Kể từ đầu tháng 7, thị trường ghi nhận 20 ngân hàng tăng lãi suất. Các ngân hàng tăng lãi suất kể từ đầu tháng bao gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaovietBank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, PVcomBank, VPBank, PGBank, Sacombank, BIDV, ABBank, HDBank, Bac A Bank, BIDV, ABBank.
Trong đó, nhiều nhà băng còn điều chỉnh lãi suất tăng 2-3 lần chỉ trong một tháng, với mức tăng thêm từ khoảng 0,1 - 0,5 điểm %. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận không ít ngân hàng chi trả lãi suất trên 7,5%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên, tuy nhiên để hưởng được mức lãi suất cao này, khách hàng phải gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như Dong A Bank niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,5%/năm với khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên, cho khung 365 ngày/năm; HDBank cũng niêm yết mức lãi suất đặc biệt 8,1%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. Áp dụng cho các khoản tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên/Thẻ tiết kiệm, không áp dụng huy động hình thức lãi đầu kỳ, lãi định kỳ.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để thu hút tiền nhàn rỗi từ người dân.
Dù lãi suất tiền gửi tăng nhưng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm tới ngày 24/6/2024. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 6% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên đến ngày 17/7, ghi nhận giảm trở lại còn 5,3%.
Tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng cũng như các ngành nghề. Theo báo cáo của NHNN, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của hệ thống, nhưng cũng có ngân hàng có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung. Theo kết quả công bố gần đây, tăng trưởng tín dụng cao được ghi nhận ở một số ngân hàng như LPB (tăng 15,2% so với cuối năm 2023), HDB (13,3%), ACB (12,4%), trong khi đó, Vietinbank thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 6,7% tính đến 30/6/2024.
Kết quả điều tra cho thấy, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước. Để chuẩn bị nguồn tiền lãi suất ổn định bơm ra nền kinh tế, các ngân hàng mạnh tay cơ cấu dòng vốn bằng việc tăng lãi suất và đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Chưa lo lãi suất cho vay tăng
Mặt bằng lãi suất huy động đã ghi nhận tăng từ nhiều tháng nay. Các chuyên gia dự đoán việc điều chỉnh tăng tại các ngân hàng sẽ còn tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm nay. Nguyên nhân là các ngân hàng muốn có nguồn huy động dồi dào để có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại. Lãi suất tiền gửi nhích lên do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao nửa cuối năm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, vừa qua lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã tăng đến hơn 4%, lãi suất huy động đến cuối năm có thể tăng thêm từ 0,5 - 1%. Lãi suất cho vay theo đó sẽ tăng theo. Tuy nhiên, với định hướng của Chính phủ, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, yêu cầu hạ lãi suất đầu ra nhằm đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy lãi suất cho vay dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ trong thời gian tới.
Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự báo về lãi suất cho vay trong hai quý còn lại của năm nay. Theo đơn vị này, khi chi phí vốn tăng, cộng thêm với việc lãi suất cho vay đã tạo đáy, nên nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.
Lãnh đạo Vietinbank cho biết, hiện các ngân hàng đang nỗ lực tiết kiệm chi phí kinh doanh, đồng thời đã chủ động giảm lợi nhuận… nên lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ, nếu tăng lãi suất cho vay, khách hàng không tiếp cận được vốn thì ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Ngân hàng Shinhan Việt Nam Trần Văn Lâm cho biết, nền kinh tế trong nước đã dần khởi sắc trong quý II/2024, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã dần tăng. “Xu hướng lãi suất cho vay khả năng sẽ duy trì mức thấp hiện nay ít nhất đến quý IV/2024 nhằm kích thích cầu vốn tín dụng của khách hàng trở lại các quý tới. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng nói chung và Shinhan Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm duy trì lãi suất cho vay thấp để đẩy vốn ra hỗ trợ nền kinh tế trong những tháng cuối năm”- ông Lâm cho hay.