Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lái xe uống rượu bia gây tai nạn: Có thể bị phạt tù 3 - 10 năm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia rượu khi lái xe. Những trường hợp này có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông khiến hơn 8.000 người chết, 17.000 người bị thương.
 Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, làm chết 195 người và bị thương 199 người. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Nhận thấy mức độ nguy hiểm cho xã hội nên tinh thần pháp luật Việt Nam là xử lý thật nghiêm trong cả ba lĩnh vực hành chính, dân sự và hình sự đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, về trách nhiệm hành chính, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định mức phạt rất nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tượng tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị phạt cao nhất là 18.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-6 tháng tùy vào mức độ vi phạm (Điều 5 Nghị định 46).
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là: 4.000.000 đồng (Điều 6 Nghị định 46).
Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 7.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-4 tháng, tùy vào mức độ vi phạm về nồng độ cồn (Điều 7 nghị định 46).
Về trách nhiệm dân sự đối với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác cũng được quy định rõ tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra. Theo đó, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Về trách nhiệm hình sự, theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm).