Làm bạn cùng sách trong mùa dịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu đọc sách của người dân tăng lên. Vì vậy, cùng với các chương trình tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm, một số tổ chức, cá nhân đã quyên góp, trao tặng sách cho người dân tại khu cách ly, điểm phong toả nhằm chăm sóc sức khoẻ tinh thần, tăng cường tri thức, năng lượng tích cực cho Nhân dân.

Đóng cửa mở sách

Những ngày qua, dư luận tranh luận sôi nổi về từ khóa “thiết yếu”. Trên các mạng xã hội, công chúng tranh luận đâu mới là sản phẩm “thiết yếu” đối với từng cá nhân, từng nhóm người, từng tầng lớp xã hội. Và với người yêu sách, hoặc chỉ đơn giản là có thói quen đọc, sách cũng thiết yếu không kém những mặt hàng khác.

Trong 2 tuần Hà Nội thực hiện giãn các xã hội theo Chỉ thị 17, Phạm Ngân Hà (trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa) dành phần lớn thời gian ở nhà để rèn luyện thể dục, xem phim và đọc sách. Vốn có sở thích đọc và mua sách vào dịp cuối tuần nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch khiến các nhà sách phải tạm ngưng hoạt động, việc đặt và giao hàng qua mạng tạm dừng nên Ngân Hà đành đọc lại những cuốn sách cũ trong tủ sách của gia đình, vì không có sách mới nhiều cuốn được Hà đọc đi đọc lại nhiều lần.
 Độc giả nhí lựa chọn sách ở khu phong toả. Ảnh: NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

“Mọi người thường quan niệm rằng trong đại dịch thì điều quan trọng nhất là đảm bảo đầy đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng việc chăm sóc đời sống tinh thần khi thực hiện giãn cách trong thời gian dài cũng quan trọng không kém. Mình muốn dành thời gian giãn cách để đọc thêm nhiều sách thay vì chỉ nằm xem điện thoại hay xem ti vi” – Ngân Hà chia sẻ.

Có thể đo đếm nhu cầu đọc trong mùa dịch bằng cách dạo qua các diễn đàn sách, hầu như mỗi ngày đều có những đề nghị: Muốn tìm đọc cuốn này, dạng sách kia. Ngoài sách văn học, giải trí, sách nghiên cứu về tài chính, kinh tế, ngoại ngữ... cũng là những thể loại được tìm kiếm phổ biến. Không chỉ trang bị kiến thức, những cuốn sách còn là liều thuốc tinh thần giúp mọi người cảm thấy bình thản, vững tâm hơn vào công cuộc toàn dân chống dịch. Anh Vũ Quốc Huy (Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Mỗi ngày, thay việc mở điện thoại, ti vi cập nhật tin tức về dịch bệnh tôi đánh lừa đầu óc bằng việc đọc sách. Với tôi, sách là vật phẩm thiết yếu trong những ngày nghỉ vì dịch. Sách tôi tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần, khơi gợi trí tưởng tượng, đánh lạc hướng lo âu. Hơn thế, những cuốn sách về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người dân sống khỏe cũng giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết để tự bảo vệ mình trước Covid-19”.

Lan toả tinh thần tích cực trong khu cách ly

“Để không ai bị bỏ quên” khi có nhu cầu đọc, nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng các chương trình mang sách đến từng nhà, trong khu vực cách ly. Vừa qua, thông qua Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL), First News - Trí Việt đã chuyển hơn 2.000 cuốn sách trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” và tác phẩm “Hành trình về Phương Đông” để tặng đội ngũ bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly. Các ấn phẩm này có tuyển tập: “Nhắm mắt nhìn sao”, “Không gục ngã”, “Vượt lên cái chết”, “Bí mật hạnh phúc”, “Không nơi nương tựa”...
 Tình nguyện viên mang sách đến khu phong toả. Ảnh: NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Tại khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT (cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội) cũng đã có hàng nghìn cuốn sách được giới thiệu tới người dân. Những cuốn sách được chọn lọc thuộc nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật là các tác phẩm nuôi dưỡng ước mơ, khích lệ tinh thần hay xoa dịu tâm hồn như: “Think and Grow Rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu”, “Muốn an được an”, “Nhà giả kim”.

Từ giữa tháng 7, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam cùng Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách”. Đội ngũ tình nguyện viên đã tìm mọi cách để tập hợp sách, phân loại, khử trùng và mang đến các khu phong tỏa để tặng cho từng nhà.

Gần đây, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) cũng đã phối hợp với NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Khép cửa đọc sách” nhằm đưa sách hay vào khu cách ly, phong tỏa vì dịch Covid-19 với quan điểm không chỉ chăm lo đến đời sống vật chất cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn mà còn chú trọng đến đời sống tinh thần, tăng cường tri thức, năng lượng tích cực, kỹ năng sống đẹp cho người dân bằng việc đọc những cuốn sách hay, sách giá trị.

Dịch Covid-19 khiến số người đọc tăng lên là chuyện không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngành xuất bản các nước cũng có những thống kê tương tự, khi tự nhiên có nhiều thời gian và bị hạn chế di chuyển, sách trở thành một cứu cánh cho nhiều người. Điều đáng mừng là không chỉ sách giấy, những hình thức xuất bản khá mới như podcast (một dạng sách nói mà độc giả có thể nghe trên các ứng dụng và có thể đăng ký, tải về) cũng bắt đầu được người đọc quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần