Mực đỏ cũng như máu
Một buổi chiều đầu tháng 5/2019, phóng viên Kinh tế & Đô thị có dịp được gặp Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng – một trong hai phóng viên báo Quân đội Nhân dân đã góp sức sản xuất 33 số báo lịch sử, được xuất bản tại “chảo lửa” Điện Biên Phủ.
Ở tuổi ngoài 90, nhưng ông vẫn vô cùng minh mẫn. Đại tá Phú Bằng kể lại: Trong thời chiến, làm gì cũng vất vả. Viết báo cũng vậy. Giấy trắng là thứ quá xa xỉ nên phải rất tiết kiệm. Bởi vậy, các bài báo có thể được viết cả trên các mẩu giấy truyền đơn, vỏ bao thuốc lá, vỏ bọc thực phẩm…
Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng |
Thời gian phát hành một số báo cũng không cố định. Với những trận đánh mang tính quyết định thì bằng mọi cách, Ban Biên tập có thể định hình số báo cho anh em làm nhanh nhất. Tác nghiệp ngay tại chiến trường nên các tin, bài được viết rất nhanh, ngắn gọn, mang đậm hơi thở của chiến dịch. Nơi sản xuất báo nằm gần chiến hào để báo in xong là đưa đến ngay cho các anh em chiến sĩ, cổ động tinh thần họ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp báo chưa kịp đến tay, nhiều nhân vật trong bài báo đã không còn…
Câu chuyện chậm lại vài nhịp. Một hồi sau, nhà báo Phú Bằng mới thêm: Thời đó, mực in chủ yếu là màu đen. Mực đỏ rất ít nên chỉ dùng vào những chi tiết đắt, những hình ảnh quý giá. Nếu dùng quá nhiều mực đỏ cho hình ảnh khác thì sẽ không còn đủ mực để in cờ Tổ quốc. Mực đỏ cũng quý như máu, nếu chỉ rớt một giọt mực ra là “có tội” với công sức của cả tập thể.
“Hang chuột” bên dòng Nậm Rốm
Lục lại ký ức tác nghiệp của mình, những câu chuyện, chi tiết mà nhà báo Phú Bằng kể lại đều tái hiện sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên Phủ. Thời gian đó, trời còn rất rét. Mưa rừng tầm tã, thối đất thối cát. Bùn ở hầm, hào nhão nhoẹt, nhầy nhụa. Người nào cũng ướt sũng, máu me, bùn đất bê bết từ đầu đến chân, chỉ hở hàm răng và hai mắt. Người cụt tay, người cụt chân, người bị thương vào đầu, vào bụng… Mỗi lần tấn công đánh chiếm được các cứ điểm trọng yếu như đồi Độc lập, Đồi A1, Đồi C, Đồi D… nhiều chiến sỹ của ta đã nằm lại trên những chiến hào. Những người còn sống thậm chí còn phải gác súng lên thân thể của những người đã hy sinh để tiếp tục chiến đấu. Họ không còn nước mắt để rơi, chỉ còn hai hốc mắt đỏ hoe…
Căm thù giặc ngoại xâm tột cùng, song các chiến sĩ của ta vẫn luôn cao thượng. Nhà báo Phú Bằng kể rằng, bên bờ sông Nậm Rốm, lính thực dân Pháp đào ngũ tự đào cho mình những cái hốc trông không khác gì “hang chuột” để ẩn náu. Ở đó, họ có thể vớt hàng viện trợ của thực dân Pháp được thả từ trực thăng trôi theo dòng sông, nhằm duy trì sự sống, chờ ngày sống sót sau chiến trận. Đó là những kẻ đã mất hết ý chí chiến đấu và phần nào cũng tự cảm thấy được sự phi lý của cuộc chiến tranh này. Vì thế, khi nhìn thấy lính Pháp trong “hang chuột”, ta quyết định không bắn. Bộ đội ta chỉ chiến đấu những kẻ vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt.
Dáng hình quê hương trên chiến hào
Văn công trong chiến dịch vẫn là chi tiết khiến đôi lần nhà báo Phú Bằng phải "tranh luận". Một chiến dịch đầy ác liệt và cam go như vậy, làm sao có thể có văn công? Nhưng ông bảo có. Nghiêng đầu, giả như đang kéo đàn violin, nhà báo Phú Bằng vẫn nhớ như in tiếng đàn được kéo rất khẽ bởi người nghệ sĩ ngồi khum người trong chiến hào. Có nữ văn công trẻ cất giọng hát trong trẻo và ngọt ngào theo tiếng đàn những bài ca về ngày chiến thắng. Ngày mai tấn công Him Lam, đâu biết sẽ còn sống hay chết, những người chiến sĩ có một nguyện ước rằng cô văn công có thể đứng lên một lúc, vì đã quá lâu rồi xung quanh họ chỉ có bùn, máu và nước mắt… Cô văn công gật đầu đồng ý. Cô đứng lên, bóng hình người phụ nữ mảnh mai như in trên chớp của pháo sáng phía đằng xa… Ông bảo, ở nơi chiến trường khốc liệt này, hình ảnh ấy gợi nhớ các chiến sĩ đến dáng hình của quê hương yên bình, của Tổ quốc độc lập, tự do. Hình ảnh ấy như tiếp thêm sức sống, thêm niềm tin, sự lạc quan nơi biển lửa. Họ có thêm tự tin, quyết tâm để ngày mai quyết thắng…
Những chi tiết qua lời kể của ông khiến chúng tôi hiểu rõ hơn về lòng trắc ẩn, sự bao dung của người Việt cũng như sức sống mãnh liệt, sự lạc quan của quân dân ta nơi chiến trường ác liệt. Và thế hệ sau cần được biết và tiếp cận về chiến tranh cả với những câu chuyện nhân văn như thế.