Trong khi đó, việc kiểm soát chất cấm ở không ít địa phương còn rất hời hợt, lúng túng.
Càng kiểm tra càng thấy vi phạm
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y địa phương đã lấy 227 mẫu nước tiểu lợn giết mổ để kiểm tra, qua đó đã phát hiện 31 mẫu dương tính với Sabutamol (chất tạo nạc), hàm lượng từ 80 - 1.300 ppb (dư lượng cho phép là 2 ppb). Trong 7 lô lợn có mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol, có 4 trường hợp xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp từ Tiền Giang và 1 lô từ Long An. Lần theo đường dây xuất xứ đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT tiếp tục kiểm tra tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Long An và phát hiện thêm nhiều sai phạm.
Tại Đồng Nai, qua kiểm tra 44/2.000 trang trại, phát hiện 14 trại nuôi lợn có dương tính với Salbutamol, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP Biên Hòa. Đáng chú ý, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai còn phát hiện 1 cơ sở bán sản phẩm có chứa Salbutamol. Ngoài ra, phát hiện 2 lô lợn xuất
phát từ trạm trung chuyển của Công ty CP đưa về TP Hồ Chí Minh giết mổ có dương tính với chất cấm.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi đang ở mức báo động, gây phẫn nộ trong Nhân dân. Hành vi sử dụng chất cấm cũng khá tinh vi. Với những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, khoảng 100 - 200 con lợn, chất cấm được sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng, nhằm thu lợi bất chính.
Đáng lo ngại là một số cá nhân, thương lái tiến hành thu mua lợn đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Lợn sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 - 30 ngày sẽ tăng trọng thêm 20 - 30kg, trừ chi phí tăng lợi nhuận từ 500.000 - 1.000.000 đồng/con. Để lách luật, những đối tượng này sẽ quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy phép kiểm dịch của cơ quan thú y.
Xử lý chưa quyết liệt
Ngoài các hình thức tinh vi, một số loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung có chứa chất cấm còn được đưa xuống bán trực tiếp cho các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đánh giá của Thanh tra Bộ NN&PTNT, tình hình sử dụng chất cấm tái diễn phức tạp là do một số kiểm dịch viên chưa làm hết trách nhiệm trong thực hiện quy trình kiểm dịch lợn, tạo kẽ hở cho lợn có sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi còn bất cập nên việc cung cấp thông tin và hợp tác của người dân với cơ quan chức năng còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều địa phương vào cuộc truy xuất nguồn gốc và xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn thiếu quyết liệt nên chưa có sức răn đe.
Lý giải về tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thứ nhất, giá lợn thời gian qua duy trì ở mức cao, từ 45.000 – 50.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi hám lợi, làm ăn bất chính. Thứ hai là áp lực từ thương lái muốn ép người chăn nuôi dùng chất cấm để có tỷ lệ thịt nạc cao, bán được giá hơn. Đặc biệt, sau một thời gian việc sử dụng chất cấm tạm lắng, một số địa phương có dấu hiệu lơi là, buông lỏng trong công tác quản lý.
Theo ông Dương, để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần tuyên truyền mạnh để người dân phát giác, tố cáo những cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Song song với đó, tới đây, Cục Chăn nuôi sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT cho ứng dụng que thử để phát hiện chất cấm trong nước tiểu cũng như thịt lợn, rút ngắn thời gian xét nghiệm mẫu.
Trại chăn nuôi của ông Nguyễn Đại Thắng, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
|
Trong tháng 9, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực chăn nuôi và xử lý hành vi vi phạm, nhất là đối với hành vi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. |