70 năm giải phóng Thủ đô

Làm chỗ dựa cho trẻ thấy bình yên

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những này qua, những người cha, người mẹ trong vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì (Hà Nội) không chỉ cảm thấy xót ruột vì đứa con mình nuôi nấng, chăm bẵm suốt 6 năm trời bỗng phải cách xa; mà còn bởi những điều tiếng vì đòi tiền mà máu mủ ruột thịt chưa gắn kết được với nhau.

 2 đứa trẻ trong vụ trao nhầm con tại Ba Vì gây xôn xao dư luận thời gian qua
Bất kỳ cha mẹ nào, nếu gặp trường hợp đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại để người khác nuôi nấng suốt 6 năm đầu đời, đều coi là một nỗi đau. Và dù, không phải con ruột nhưng 6 năm chăm bẵm, yêu thương, nay phải đứng trước quyết định trả con về đúng gia đình cũng là nỗi đau. Đó là chưa kể, 1 người mẹ trong sự việc nhầm hy hữu này đã phải chấp nhận cuộc hôn nhân tan vỡ, lên TP kiếm sống nuôi con. Khi sự việc vỡ lở, những đứa trẻ rất đáng thương và người lớn cũng không kém buồn.
Vì tình mẫu tử, 2 gia đình đã cố gắng tạo không gian để 2 đứa trẻ có thể gặp nhau; vì tình mẫu tử, chị Hương đã không ngay tức khắc ôm con đẻ về nhà vì sợ tạo ra những cú sốc tâm lý cho cả con đẻ và con nuôi. Và không ai cầm được nước mắt trước lời tâm sự của chị với đứa con bé bỏng: “Con là con của bố Sơn, mẹ Hiền... Thời gian tới, mẹ sẽ đưa con về nhà bố Sơn, mẹ Hiền nhé. Tuy nhiên, mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con”. Vậy sao nỡ đổ tiếng oan cho người mẹ?
Nếu có đáng trách, có lẽ trách những người đã vô tình gây nên sự nhầm lẫn. Bởi 4 tháng sau sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì vẫn quanh co đổ tội cho... nhiệm kỳ trước. Nhưng có lẽ thay vì than trách hay để lan rộng sự đau khổ, chúng ta hãy hướng tới câu hỏi quan trọng nhất: Làm sao để giúp đỡ những đứa trẻ trong những khoảng thời gian lạ lẫm và khó khăn phía trước? Các em cần được chia sẻ, cần được cảm thấy bình yên.
Hơn ai hết, cả các em và những người trong cuộc cần được lắng nghe và giúp đỡ. Và cũng hơn ai hết, các bậc cha mẹ khi sinh con hy vọng trong tương lai sẽ có một quy trình trao và nhận trẻ chặt chẽ, để không còn có những giọt nước mắt đau khổ sau 42 năm của 2 cặp mẹ con ở Ba Đình (Hà Nội); hay phải mất hơn một năm lo lắng cho 2 đứa trẻ lên 3 ở Bình Phước vì chưa quen với gia đình mới sau lần hoán đổi do trao nhầm, rồi đến vụ việc ở Ba Vì này.