Lâm Đồng: Giao dịch bất động sản giảm 38%

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý III, IV/2021, lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đông giảm 38% so với quý I và II cùng năm.

Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2021 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong quý I, II/2021, địa bàn tỉnh ghi nhận lượng lớn giao dịch bất động sản (đặc biệt là đất nền) với 24.531 giao dịch. Tuy nhiên, quý III, IV lại ghi nhận lượng giao dịch bất động sản giảm 38% so với quý I + II, với 15.101 giao dịch (thông qua công chứng).

Những đồi trà tuyệt đẹp bị xẻ ngang dọc phân lô bán nền ở Lâm Đồng. (Ảnh: Tiểu Thuý)
Những đồi trà tuyệt đẹp bị xẻ ngang dọc phân lô bán nền ở Lâm Đồng. (Ảnh: Tiểu Thuý)

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng giải thích do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại hoặc thực hiện giãn cách tại một số địa phương nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Các nhà đầu tư đang triển khai dự án hoặc có kế hoạch đầu tư phải tạm ngưng, một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án đầu tư như giao đất hoặc thuê đất, xin giấy phép xây dựng cũng bị ảnh hưởng tiến độ khiến nguồn cung bất động sản giảm mạnh.

Đồng thời, trong quý III, IV/2021, việc có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia vào thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là phân khúc đất nền) cũng tiềm ẩn những nguy cơ khiến thị trường phát triển nóng, kém bền vững, rủi ro cho những nhà đầu tư. Thực tế tại một số địa phương như: TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà người dân và doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường phục vụ sản xuất nông nghiệp để phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp, đất rừng và mượn danh dự án để bán, thu tiền người mua, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, gây thất thoát ngân sách nhà nước và những hệ lụy đối với môi trường sinh thái. 

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản và đã tổ chức thanh kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ và xử lý các sai phạm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan dẫn đến các sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trái pháp luật.

Trước đó, ngày 14/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê bình Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này vì chậm tham mưu thành lập Tổ công tác kiểm tra việc hiến đất mở đường để phân lô tách thửa.

Cụ thể, ngày 29/12/2021, UBND tỉnh ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc tình hình kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước về phân lô, bán nền và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. 

Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Tổ công tác để kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông mới để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Báo cáo kết quả và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật  và không để thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2022, Sở Xây dựng vẫn chưa tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập tổ công tác.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng bỗng "sốt" khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ về đầu tư gom mua những đồi chè, cà phê bạt ngàn để phân lô, bán đất nền, ăn theo cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) đi Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Trong cơn sốt đất, nhiều đồi chè, cà phê đã bị san ủi, cày xới nham nhở. Thay vào đó là những con đường nhựa và lưới điện dọc ngang. Sau đó là hàng trăm dự án phân lô, bán nền mọc lên kéo theo lực lượng môi giới bất động sản hoạt động rầm rộ.

Các chuyên gia bất động sản đánh giá, hệ lụy của tình trạng phân lô, bán nền ở Lâm Đồng là rất lớn, tác động xấu đến thị trường bất động sản. Thực tế là đã có nhiều nhà đầu tư tin vào các dự án "ma" này đã mất tiền oan và tiềm ẩn nguy cơ hình thành những khu dân cư phá vỡ quy hoạch chung.