Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạm dụng Quỹ BHYT: Căn bệnh khó chữa

Thu Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) 7 tháng đầu năm, đồng thời phổ biến Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tới 100% cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT trên địa bàn.

Bệnh nhân lĩnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh
Gia tăng chi phí BHYT
Ông Nguyễn Hữu Tuyển - Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH Hà Nội cho biết, trong 7 tháng đầu năm, chi phí KCB BHYT trên địa bàn bằng 61,4% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có cơ sở KCB số chi đã chiếm trên 70% nguồn kinh phí được giao.

Theo ông Tuyển, nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB BHYT là do các cơ sở KCB chưa nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT hợp lý, hiệu quả; chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi đối với các bệnh lý chỉ cần KCB ngoại trú; số ngày điều trị bình quân cao so với các bệnh viện (BV) cùng tuyến, hạng, tình trạng kéo dài ngày điều trị. Ngoài ra, nhiều cơ sở chỉ định cận lâm sàng rộng rãi, vượt quá tình trạng bệnh; sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý; ghi quá nhiều mã chẩn đoán để hợp thức chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng. BV tuyến T.Ư, tuyến TP vẫn KCB, cấp thuốc đối với các trường hợp bệnh thông thường, bệnh không lây nhiễm đái tháo đường, tăng huyết áp chưa có biến chứng phức tạp thuộc chức năng nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở.

Trước tình trạng này, ông Tuyển kiến nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường thanh tra hoạt động KCB BHYT và việc sử dụng kinh phí chi KCB BHYT; có giải pháp phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Y tế chỉ đạo cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở KCB để giảm chi phí cho người bệnh và quỹ BHYT. Chỉ đạo các BV tuyến trên chuyển các bệnh nhân mắc bệnh thông thường, bệnh mạn tính, không lây nhiễm chưa có biến chứng phức tạp về quản lý, cấp thuốc tại y tế cơ sở theo đúng Chỉ thị 847/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Kê khống BHYT sẽ bị đi tù

Ông Trần Nam Hà - Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung 3 tội danh: Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Tội gian lận BHYT; Tội trốn đóng BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động. Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội, ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về Tội gian lận BHYT và Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.

Theo đó, người lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định, chiếm đoạt từ 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm… tùy mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị lãnh đạo các cơ sở KCB BHYT thông tin, tuyên truyền, phổ biến Điều 215 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng xử lý tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tới toàn thể cán bộ, nhân viên y tế BV. Ông Hòa cũng đề nghị các BV nghiêm túc tự kiểm tra, rà soát việc chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và các dịch vụ y tế, tiết giảm chi phí không cần thiết, nhất là các cơ sở vượt nguồn kinh phí KCB BHYT. Đề nghị các cơ sở KCB phải có giải pháp quyết liệt những tháng cuối năm để kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, đảm bảo không vượt nguồn kinh phí được giao năm 2019. Đối với các chi phí bất thường, chưa hợp lý, lạm dụng, BHXH TP kiên quyết từ chối thanh toán.

Trường hợp phát hiện cơ sở KCB BHYT có vi phạm, BHXH TP sẽ dừng hợp đồng KCB BHYT, đồng thời chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Ông Hòa cho biết, ngành y tế và BHXH tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí KCB BHYT được giao năm 2019 theo quy định.