Đây là hợp phần thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện thông tin cho rằng, việc cào bóc đường nhựa và làm đường bê tông dành riêng cho xe buýt BRT gây lãng phí. Để rộng đường dư luận chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội về vấn đề này. Theo ông Tân, hợp phần buýt BRT đã được Bộ Xây dựng thẩm định bằng Văn bản số 745/BXD-KSKT ngày 13/4/2007 và được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 với kết cấu nền đường dành riêng cho buýt BRT bằng bê tông xi măng với chiều dài 14,7km, chiều rộng 3,5m/làn, từ BX Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Hà Đông - Ba La. Hướng tuyến, các nội dung dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới đồng ý chấp thuận. Tháng 8/2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, để giảm trùng lặp tuyến, Sở GTVT đã đề xuất và được UBND TP Hà Nội, WB đồng ý, chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến, thay vì đoạn tuyến từ Lê Văn Lương rẽ ra Khuất Duy Tiến nay điều chỉnh đi thẳng Lê Văn Lương kéo dài - trục Bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - BX Yên Nghĩa. Trong quá trình khảo sát điều chỉnh hướng tuyến, Sở GTVT và các đơn vị tư vấn nước ngoài nhận thấy: Phố Giảng Võ, Láng Hạ được xây dựng trên dưới 30 năm, phố Lê Văn Lương trên 10 năm nên nền đường không phù hợp với đường dành riêng cho xe buýt BRT. Do đó phải cào bóc mặt đường nhựa át phan để làm đường bê tông. Riêng trục đường Lê Văn Lương kéo dài - trục Bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn đều mới được đầu tư, hoàn thành sau năm 2010 nên đáp ứng được tải trọng xe buýt BRT. Do xe buýt BRT hoạt động với tần suất lớn, nên tại các vị trí nhà chờ cố định trên đoạn tuyến từ Lê Văn Lương kéo dài đến Lê Trọng Tấn, Sở GTVT đã đề xuất thay thế kết cấu mặt đường bê tông nhựa át phan bằng bê tông xi măng để bảo đảm chống lại lực hãm phanh gây xô mặt đường nhựa át phan.