Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để áo dài cách tân không thành “thảm họa”?

Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Biện pháp nào để bảo vệ áo dài khi đang có những “thảm họa” thiết kế, cách thức quảng bá du lịch Thủ đô như thế nào thông qua áo dài… là những nội dung được các nhà thiết kế (NTK), nhà quản lý xoay vần trong Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”.

Hội thảo diễn ra sáng 16/10 trong khuôn khổ sự kiện “Fetival Áo dài Hà Nội 2016”.
Không dễ dãi thỏa hiệp
Những cách tân đến vô lối: Xẻ ngực, xẻ eo đến táo bạo; dát vàng, đính cườm, đính kim cương… chỉ để khoe trương hơn là mang sự tinh tế của áo dài… khiến nhiều NTK lo lắng. Tại Hội thảo, với sự quy tụ của hơn 30 NTK của 3 miền Bắc – Trung – Nam và các chuyên gia nghiên cứu thời trang, NTK Minh Hạnh đưa mọi người vào cuộc đàm đạo: Biện pháp nào để bảo vệ áo dài khi đang có những thảm họa?
 Trình diễn áo dài tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: “Sự cách tân là đương nhiên trong cuộc sống. Áo dài thay đổi theo những yêu cầu của người phụ nữ. Sự cách tân tùy theo thời kỳ, có thời kỳ người ta thích áo dài dài xuống tận gót chân, thắt vào eo thật khít để phô cái đường cong của mình. Nhưng, hồn cốt áo dài vẫn có 2 tà áo. Khoảng 20 năm nay, áo dài càng ngày càng phát triển và phát huy đặc sắc vì các NTK đã đưa ra những kiểu áo dài rất mới lạ, sang trọng”.
Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại phát triển của áo dài, đã có không ít trường hợp cách điệu “chẳng giống ai”, không theo một khuôn mẫu chuẩn. Vì thế, một số mẫu áo dài trở thành “thảm họa” làm cho người sở hữu không thể mặc mà cũng chưa đủ đẹp để người ta có thể mang ra trưng bày. Theo đó, NTK Lan Hương, La Hằng cho rằng, muốn khắc phục được “thảm họa” áo dài, trước hết NTK phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. Và tuyệt đối không được thỏa hiệp hoặc dễ dãi với khách hàng. Một số NTK khác lại khẳng định, để tránh được “thảm họa” áo dài, trước hết phải có sự phối hợp giữa NTK và người sử dụng. Ngoài ra, nên xem việc mặc áo dài là đang tôn vinh bản thân vì thế không được biến tấu áo dài một cách thái quá.
Gắn với sự phát triển du lịch
Nói về kỷ niệm đặc biệt với chiếc áo dài, NSND Trà Giang chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đi dự liên hoan phim tại Mátxcơva với đoàn làm phim “Chị Tư Hậu”, khi đó tôi đã mặc bộ áo truyền thống của người con gái Việt. Bạn bè trong những đoàn làm phim các nước trầm trồ khen ngợi, bởi đó là lần đầu tiên họ biết đến tà áo dài ấy qua một diễn viên Việt Nam và cũng vì thế mà họ biết được Việt Nam cũng có một nền điện ảnh, cũng sản xuất được phim”.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ thông qua chiếc áo dài. Và cho đến thời điểm hiện tại, trang phục duyên dáng ấy vẫn được cho là “chìa khóa vàng” thu hút khách du lịch đến khám phá đất nước Việt Nam. Đại diện cho một công ty du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm gắn áo dài với sự phát triển của du lịch Việt Nam như trình diễn áo dài thường xuyên trên phố đi bộ, tổ chức những gian hàng giới thiệu, cho thuê và chụp ảnh cùng áo dài… Ngoài ra, các tổ chức phải có quy định bắt buộc các hướng dẫn viên mặc áo dài hoặc khuyến khích khách Việt đi bộ nên mặc áo dài ở phố đi bộ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
“Áo dài là một sản phẩm du lịch độc đáo, thông qua sản phẩm ấy, bạn bè du khách có thể biết được rằng Hà Nội hay Việt Nam không chỉ gần gũi và mến khách trong lời ăn tiếng nói mà nó còn là vẻ đẹp qua những hình ảnh điệu đà và duyên dáng như tà áo dài quý phái và đượm hồn dân tộc Việt”, đó là lời chia sẻ của ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội như chính là niềm mong mỏi ngành du lịch sẽ xây dựng được vẻ đẹp tiền ẩn của Việt Nam thông qua tà áo dài.
Trong 3 ngày diễn ra Festival Áo dài Hà Nội 2016 tại Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức đã đón hơn 3 vạn lượt khách tham dự, đó là thông tin được đưa ra trong buổi bế mạc chương trình tối 16/10. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: “Festival Áo dài Hà Nội 2016” đã kết thúc thành công, đạt được những kết quả tốt đẹp nhờ những hoạt động thiết thực, hấp dẫn, bổ ích tôn vinh tà áo dài, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. (Vũ Hoa)